Tổng mức đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn này khoảng hơn 13.500 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là hơn 2.9 tỷ đồng và từ các nguồn khác là hơn 10.558 tỷ đồng
Theo đó, tỉnh đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ phấn cụ thể các chỉ tiêu, nội dung và đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cho các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022-2025.
Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, ấp; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Bên cạnh đó, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh có 47/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%; trong đó, có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 80,85%; 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 40%; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; toàn tỉnh có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...
Để thực hiện được mục tiêu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề ra các giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để hỗ trợ thực hiện các nội dung chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình, tập trung các chuyên đề trọng tâm như môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn...