Bắc Kạn nâng tầm sản phẩm OCOP

Việc thực hiện chương trình OCOP thực sự đã làm thay đổi hình ảnh về nông nghiệp của Bắc Kạn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển và hoàn thiện sản phẩm đặc sản địa phương. Các sản phẩm OCOP từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về An toàn thực phẩm, được người tiêu dùng đón nhận.

Chú thích ảnh
Công ty Hà Diệp với sản phẩm OCOP Trà Hoa Vàng được đông đảo người dân đón nhận, tiêu thụ sản phẩm.

Trong giai đoạn 2018 – 2020, triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm", toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm OCOP. Trong số đó có 13 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 218 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 5 sao, gồm 1 sản phẩm 5 sao là miến dong HTX Tài Hoan (Na Rì), 18 sản phẩm 4 sao, 199 sản phẩm 3 sao.

Đến nay, một số chủ thể đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất nhằm đưa ra các dòng sản phẩm tốt nhất ra thị trường.

Được thành lập từ tháng 3/2020, Công ty TNHH Hà Diệp, thành phố Bắc Kạn, ngày càng khẳng định được uy tín với sản phẩm trà hoa vàng được chế biến với công nghệ hiện đại, giữ nguyên được hình dạng, kích thước và hàm lượng dưỡng chất vốn có, qua đó nâng cao chất lượng trà hoa vàng tại địa phương, bước đầu tạo dựng thương hiệu với người tiêu dùng. 

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đi thăm các gian hàng trưng bày OCOP.

Chị Hà Minh Đợi, Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp, cho biết, nhận thấy nhu cầu của người dân về thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao và sự hỗ trợ từ chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, Công ty đã lựa chọn, tập trung sản xuất và chế biến các sản phẩm trà hoa vàng của Bắc Kạn, với mục tiêu phát triển các sản phẩm nông, lâm “sạch”, tốt cho sức khỏe, đem lại thu nhập ổn định cho địa phương.

Công ty đã đầu tư trên 5 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy sấy hiện đại sản xuất trà hoa vàng, cùng với đó xây dựng mẫu mã, bao bì đẹp mắt… đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, năm 2022, khi 2 sản phẩm “Trà hoa vàng Bắc Kạn” của Công ty được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh thì càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Hiện nay, sản phẩm trà hoa vàng của Công ty tiêu thụ rất thuận lợi, sản phẩm làm ra đến đâu hết đến đó.

Còn cây chè Shan tuyết là một trong những sản phẩm có thế mạnh của huyện Chợ Đồn. Trước đây, chè Shan tuyết chưa có thương hiệu, chưa được người dân chú trọng chăm sóc thì giá trị của cây chè rất thấp. Để phát huy tiềm năng, Chợ Đồn đã triển khai dự án cải tạo, thâm canh cây chè theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng.

Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020, huyện đã triển khai được 165 ha, trong đó cải tạo 23 ha, trồng bổ sung 142 ha; xây dựng được 1 vườm ươm cây giống. Cùng với đó, huyện Chợ Đồn cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng chè đặc sản; triển khai, sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để phát triển, khuyến khích nâng cao hiệu quả từ sản xuất, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm chè; đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè…

Đến nay, sản phẩm chè Shan tuyết Chợ Đồn đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Trước kia, khi chưa có thương hiệu, giá 1 kg chè Shan tuyết chỉ 200- 250.000 đồng, thì nay giá trị đã được nâng lên khoảng 800.000 - 1,2 triệu đồng/kg. Chè Shan tuyết đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo chủ lực của huyện miền núi Chợ Đồn.

Nhiều sản phẩm đặc trưng ở vùng sâu, vùng xa nhờ tham gia chương trình OCOP đã định vị được thương hiệu và có mặt tại các siêu thị lớn trên cả nước. Hiện nay sản phẩm OCOP của các địa phương đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực về mẫu mã và chất lượng. 

Theo ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh: Hiện nay số lượng sản phẩm đạt 3 – 4 sao là chủ yếu trong tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh, chính vì vậy cần phải tiếp tục củng cố nâng cấp, hoàn thiện để các sản phẩm trên đạt thứ hạng cao hơn như OCOP 5 sao.

Để phát huy được hết các thế mạnh địa phương, từng bước khắc phục những khó khăn trong định hướng doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh, cần phải tập trung phát triển sản phẩm có tiềm năng lợi thế; chuẩn hóa các vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP; xây dựng, củng cố và phát triển các thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

Đồng thời tăng cường tham gia xúc tiến thương mại, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển sản phẩm OCOP, trong đó tập trung cho nhóm sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Chú trọng lựa chọn được các sản phẩm tiềm năng, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để chuẩn hóa 5 sao, đưa OCOP Bắc Kạn vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

VHG
Bắc Kạn: Tất cả 108 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế
Bắc Kạn: Tất cả 108 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế

Bắc Kạn là một trong 13 tỉnh được thụ hưởng dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở".

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN