Việc triển khai Đề án sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại hình di sản văn hóa được khai thác, phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề án được triển khai nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Qua đó, nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác, trách nhiệm của cộng đồng và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; đồng thời, từng bước bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các địa phương.
Trong giai đoạn 2022 – 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận triển khai tổng kiểm kê và lập danh mục loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho công chức ngành văn hóa và nghệ nhân, người có uy tín... trong công tác quản lý, gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tại địa phương
Các đơn vị liên quan tập trung phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; xây dựng các hành trình kết nối di sản dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch.
Trong giai đoạn 2026 – 2030, các đơn vị tập trung rà soát, hướng dẫn, lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” là người dân tộc thiểu số; giới thiệu nguồn gốc, giá trị và vai trò của một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số trong các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cho học sinh nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp đối với thế hệ trẻ. Đồng thời, các đơn vị duy trì các hành trình kết nối các tour, tuyến ở các khu vực có tiềm năng hình thành các chuỗi liên kết với sản phẩm du lịch…
Bình Thuận hiện có hơn 30 dân tộc sinh sống trên địa bàn, trong đó dân tộc Chăm có khoảng 40.000 người. Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc, những năm gần đây, tỉnh đã khôi phục, làm mới nhiều lễ hội thành các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.
Điển hình là 2 lễ hội của đồng bào Chăm như: Lễ hội Ka Tê (một trong các lễ hội văn hóa tiêu biểu diễn ra tại tháp Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết) và lễ hội Ramưwan (diễn ra tại huyện Bắc Bình) đã thu hút nhiều du khách tham quan. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc cũng được phát triển phục vụ du lịch như: Lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Nghinh Ông… đều được du khách đánh giá cao nhờ nét đặc trưng riêng cùng nhiều trải nghiệm văn hóa độc đáo gắn với đời sống của cộng đồng các dân tộc tỉnh.
Nhằm khẳng định vị thế và định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn tới, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc; phấn đấu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 10 - 12%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 18 - 20%/năm. Du lịch đóng góp 10 - 11% vào GRDP của tỉnh.