Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị, triển khai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp sắp tới tại Ninh Bình. Nhấn mạnh thời gian từ nay đến Ngày Bầu cử (23/5) không còn nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban bầu cử tỉnh Ninh Bình cần tiếp thu những vấn đề đã được trao đổi tại buổi làm việc để sớm triển khai. Đối với những vấn đề liên quan đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn công tác sẽ báo cáo để sớm phản hồi.
Khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và từng địa phương, là dấu mốc quan trọng được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII đưa đất nước sang một giai đoạn phát triển mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục quán triệt đầy đủ các Chỉ thị của Đảng, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng và đặc biệt là bám sát các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các hướng dẫn để triển khai cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội và HĐND các cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý Ủy ban Bầu cử tỉnh Ninh Bình cần làm tốt khâu giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; chủ động các phương án, kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra ở một số khu vực trong thời gian chuẩn bị và tổ chức bầu cử...
Báo cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp của tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021 - 2026 nêu rõ, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và quy định của pháp luật về bầu cử để kịp thời phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện tốt các công việc có liên quan đến cuộc bầu cử, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành các Quyết định thành lập 2 Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở 2 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, mỗi Ban bầu cử có 15 thành viên. UBND các cấp tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định thành lập 1.060 Ban Bầu cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026 ở 1.060 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND. Đến ngày 8/2, 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (đạt 100%). Kết quả, số đại biểu Quốc hội được bầu tại Ninh Bình là 6 đại biểu, số đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu 50 đại biểu; số đại biểu HĐND cấp huyện, nhiệm kỳ 2021-2026 là 260 đại biểu và 3.424 đại biểu HĐND cấp xã. Sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị đã tạo nên sự tin tưởng, phấn khởi, quan tâm, hưởng ứng tham gia cuộc bầu cử của các cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ một số nội dung về công tác triển khai bầu cử; tình hình đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, y tế và công tác phòng, chống dịch COVID-19...