Theo đó, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; trong đó, có 30 sản phẩm đạt 5 sao (hoặc tiềm năng 5 sao); nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng.
Ngoài ra, tỉnh ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã; có ít nhất 10% chủ thể làng nghề có sản phẩm OCOP được công nhận, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh đến cơ sở; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, tỉnh tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế, chủ trang trại và hộ gia đình có đăng ký kinh doanh khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các cổng thông tin điện tử (website), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu; khuyến khích xây dựng các gói combo quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, Bến Tre nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai chương trình OCOP và chất lượng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở, hộ sản xuất.
Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, nhất là các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Mặt khác, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm OCOP đã được ngành chức năng tỉnh triển khai có hiệu quả, tập trung vào các chương trình có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực cho doanh nghiệp.
Hàng năm, tỉnh có trên 100 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trực tiếp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, sử dụng các thông tin thị trường hoặc hưởng lợi từ các hoạt động do chương trình xúc tiến thương mại mang lại.
Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng và đa dạng thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của tỉnh đã được đưa vào hệ thống siêu thị, phân phối, chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay, đến nay Bến Tre có 131 sản phẩm đạt OCOP từ 3 đến 4 sao; trong đó có 16 sản phẩm đạt tiềm năng 5 được UBND tỉnh công nhận và trình Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Thời gian tới, tỉnh tập trung cung cấp các thông tin về dự báo tình hình thị trường, cơ hội kinh doanh, đặc biệt là những rào cản thương mại, cảnh báo thị trường nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân, người tiêu dùng hạn chế được rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thêm vào đó, tỉnh tăng cường cập nhật, trao đổi thông tin, khảo sát thực tế tại cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để trao đổi, cung cấp và nắm bắt thông tin, những nhu cầu của các cơ sở để lựa chọn, xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại phù hợp đối tượng thụ hưởng.