Qua đó, Bến Tre đặt mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, năm 2023, tỉnh phấn đấu phát triển 45 sản phẩm OCOP mới đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên; 40 sản phẩm tái chứng nhận và nâng cấp sao cho 30 sản phẩm. Riêng đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Đồng thời, 100% cán bộ phụ trách về OCOP các cấp và chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề liên quan thuộc chương trình OCOP.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để đạt mục tiêu đề ra, địa phương tiếp tục tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Cùng đó, tỉnh tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân và các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh về chương trình OCOP.
Ngoài ra, Bến Tre rà soát các sản phẩm có tiềm năng và hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP; tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể sản xuất và cán bộ phụ trách chương trình OCOP các cấp về Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm và các văn bản mới liên quan do Trung ương ban hành.
Tỉnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm mới, sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nhằm đa dạng các sản phẩm, phát huy lợi thế và điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của địa phương.
Đồng thời, khuyến khích các phong trào thanh niên, phụ nữ, các chủ thể có sản phẩm tiềm năng, tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đặc thù gắn với địa phương để tham gia chương trình OCOP.
Mặt khác, tỉnh phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ..., nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cho các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, sự kiện, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch; tập trung xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm OCOP.
Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất đổi mới dây chuyền công nghệ, hệ thống thiết bị trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm OCOP; chú trọng thực hiện các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP.
Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, thời gian tới, Sở sẽ hỗ trợ cho các hộ sản xuất, hợp tác xã có sản phẩm OCOP tham gia ở các hội chợ, triển lãm không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn vươn ra các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Sở Công Thương gắn kết với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh giới thiệu các sản phẩm OCOP ở các điểm du lịch tập trung của tỉnh hoặc các điểm du lịch tập ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bến Tre là địa phương đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai Chương trình OCOP. Đến nay, Bến Tre có 200 sản phẩm của 76 chủ thể đã tham gia đánh giá phân hạng và được chứng nhận OCOP, gồm 110 sản phẩm 3 sao, 90 sản phẩm đạt 4 sao ( có 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao).