Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre khuyến cáo khung lịch mùa vụ thả nuôi tôm sú quảng canh, tôm rừng thả giống quanh năm. Tuy nhiên, để an toàn dịch bệnh, người nuôi cần ngắt vụ cải tạo ao để diệt mầm bệnh ít nhất 1 lần/năm.
Nuôi tôm sú-lúa, thả giống từ tháng 1 đến tháng 6/2023; nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, thả giống từ tháng 2 đến hết tháng 9/2023.
Riêng đối với nuôi tôm chân trắng, thả giống từ tháng 2 đến hết tháng 10/2023. Ngoài ra, nuôi tôm chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát hoàn toàn điều kiện nuôi; chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể thả giống nuôi quanh năm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cũng khuyến cáo các vùng, cơ sở nuôi tôm không chủ động được nguồn nước, hạ tầng không đảm bảo không nên thả giống tôm nước lợ nuôi vào các tháng 3 và 4/2023, dự báo cao điểm nắng nóng.
Mặt khác, để tránh thiệt hại cho người nuôi tôm với loại hình luân canh tôm- lúa nên thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8 năm 2023.
Tại tỉnh Bến Tre, các tháng đầu năm độ mặn tăng dần từ cửa sông xâm nhập sâu vào nội đồng đến mùa mưa thì giảm dần. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh lưu ý người nuôi tôm nước lợ cần căn cứ vào độ mặn để thả giống tôm nuôi. Cụ thể, đối với tôm thẻ chân trắng độ mặn từ 5-25‰, tôm sú độ mặn từ 10-20‰.
Ngoài ra, người nuôi tôm nước lợ nên theo dõi kết quả quan trắc môi trường do Chi cục Thuỷ sản thực hiện đăng trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài truyền thanh các xã để chủ động triển khai vụ nuôi đạt hiệu quả.
Ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Bến Tre cho biết, căn cứ vào khung thời vụ chung, tình hình thực tế tại các địa phương, Chi cục xây dựng các khuyến cáo cụ thể về thời gian thả giống tôm nước lợ cho từng vùng theo biến động của dịch bệnh, độ mặn và môi trường trong năm.
Đồng thời, Chi cục phối hợp với các đơn vị có liên quan phổ biến khung lịch thời vụ, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, quản lý chặt chẽ việc thả giống tôm nước lợ; thực hiện quan trắc môi trường và mầm bệnh ngoài tự nhiên để cảnh báo sớm đến người nuôi nhằm vận dụng tốt vào sản xuất đạt hiệu quả cao.
Chi Cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre Trần Quang Thái cho biết, Chi cục phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, kiểm soát tốt chất lượng con giống trước khi thả nuôi; kiểm soát tốt thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ thả nuôi, chủ động hóa chất để hỗ trợ kịp thời khi có bệnh nguy hiểm xuất hiện.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho hay, thời gian qua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả 3 vùng sinh thái; trong đó, nuôi tôm chân trắng thâm canh, bán thâm canh có hiệu quả nên được nông dân đầu tư nuôi 2 vụ/năm. Năm 2022, tổng diện tích nuôi thủy sản của tỉnh đạt 47.590 ha, tăng 6,66% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng sản lượng thủy sản nuôi 322.100 tấn, tăng 10,77% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người dân đầu tư khá về quy mô và ngày càng cải tiến hơn khâu thiết kế kỹ thuật về hạ tầng vùng nuôi; tôm nước lợ được phát triển chủ yếu là loài tôm chân trắng.
Đến cuối năm 2022, Bến Tre phát triển được gần 2.600 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, năng suất bình quân từ 60 - 70 tấn/ha. Hiện tỉnh đang triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao, để thực hiện mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện biển đến năm 2025.