Theo đó, để đảm bảo thương hiệu sầu riêng Bến Tre đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần phát triển hiệu quả chuỗi giá trị cây ăn trái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đề nghị UBND các huyện Chợ Lách, Châu Thành và Mỏ Cày Bắc chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể huyện thông tin tuyên truyền khuyến cáo nông dân khi thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo đủ độ chín để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tránh thu hoạch sầu riêng non, không đủ độ chín sẽ ảnh hưởng đến phẩn chất sản phẩm xuất khẩu và uy tín sầu riêng Việt Nam.
Các địa phương chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã có sản xuất sầu riêng cần tăng cường các kỹ thuật và giải pháp canh tác sầu riêng, đặc biệt kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng theo Quyết định số 362/QĐ-TT-CCN ngày 09/10/2023 của Cục Trồng trọt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cũng đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp phối hợp với địa phương triển khai tập huấn quy trình tạm thời kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng theo Quyết định số 362/QĐ-TT-CCN ngày 09/10/2023 của Cục Trồng trọt.
Trong đó, cần hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất sầu riêng đáp ứng theo yêu cầu thị trường; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất sầu riêng; tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các đơn vị tăng cường phối hợp với địa phương trong việc phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện công tác kiểm tra, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp theo đúng quy định.
Các tổ chức, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục thực hiện hỗ trợ và liên kết với nông dân sản xuất sầu riêng; thực hiện đúng Quy trình tạm thời kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng theo Quyết định số 362/QĐ-TT-CCN ngày 09/10/2023 của Cục Trồng trọt.
Cùng đó, tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu liên kết tập trung, ổn định lâu dài; thiết lập, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, trong những năm gần đây, sản xuất sầu riêng nước ta tăng trưởng nhanh cả về diện tích, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Từ tháng 7 năm 2022, quả sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho sản xuất.
Bên cạnh những cơ hội, thành tựu đạt được, việc sản xuất, xuất khẩu sầu riêng cũng đang đứng trước nhiều tồn tại, rủi ro và thách thức. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp và người dân nóng vội thu hoạch sớm, chưa đúng độ chín sầu riêng, gây nên tình trạng xuất khẩu sầu riêng không đảm bảo đúng chất lượng, làm mất thương hiệu sầu riêng Việt Nam nói chung và sẩu riêng Bến Tre nói riêng.
Tỉnh Bến Tre hiện có diện tích sầu riêng hơn 2.500 ha; trong đó, khoảng 1.700 ha trong thời kỳ đang cho trái, với sản lượng gần 22.500 tấn/năm. Diện tích trồng sầu riêng tập trung chủ yếu ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành và Mỏ Cày Bắc.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết, Chợ Lách hiện có khoảng 1.500 ha sầu riêng; trong đó, có 1.200 ha đang cho trái. Hiện thương lái trên địa bàn huyện thu mua sầu riêng Ri-6 và Mongthong với giá từ 80.000-120.000 đồng/kg, tùy loại. Tuy nhiên, do đang ở vào thời điểm nghịch vụ nên số vườn sầu riêng ở địa phương cho trái không nhiều.