Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bến Tre, từ đầu năm 2020 đến nay, địa bàn tỉnh có nhiều đợt thiên tai bất thường, nguy hiểm, gây thiệt hại nặng: xâm nhập mặn; mưa to, giông lốc; sạt lở bờ sông; triều cường. Trong đó, nghiêm trọng là xâm nhập mặn vào mùa khô 2019 - 2020 diễn biến phức tạp, gay gắt, khốc liệt hơn năm 2016. Ngay từ giữa tháng 11/2019, xâm nhập mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính đến đầu tháng 12/2019 mặn xâm nhập nhanh, rất sâu vào trong các sông chính, độ mặn 1 phần nghìn bao phủ toàn tỉnh Bến Tre.
So với trung bình nhiều năm, độ mặn xâm nhập sớm hơn hai tháng, độ mặn cao duy trì liên tục trên các sông chính của tỉnh từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020. Xâm nhập mặn kéo dài gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Ước tính giá trị thiệt hại do xâm nhập mặn khoảng 3.000 tỷ đồng, riêng ngành nông nghiệp bị thiệt hại trên 1.600 tỷ đồng; gần 87.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt...
Từ đầu năm 2019 đến nay, mưa to, dông lốc đã làm 5 người bị thương vong, 427 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp làm thiệt hại hai nhà dân. Năm 2019, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành hai Quyết định về tình huống khẩn cấp đối với 5 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực huyện Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Thành phố Bến Tre với tổng chiều dài trên 10 km.
Cuối năm 2019, triều cường vượt mức đỉnh triều lịch sử làm ảnh hưởng 27 km đê bao, bờ bao; 40 km đường giao thông nông thôn; gây ngập trên 700 ha đất sản xuất, cây giống, ao nuôi và ảnh hưởng đến nhiều vị trí cống, công trình đang thi công tại địa phương trong tỉnh.
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành các kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu đảm bảo đến năm 2025 tỉnh Bến Tre sẽ cơ bản chủ động được nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn. Công tác phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" được triển khai đến các ngành, các cấp, các địa phương sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra.
Tuy nhiên, Bến Tre vẫn còn gặp khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai vì các hệ thống đê bao chưa đồng bộ, khép kín dẫn đến hàng năm tỉnh đều chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, các tuyến đê biển chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cống dưới đê và nhiều tuyến đê sông, đê cục bộ và khu vực sau khi xây dựng đến nay bề rộng mặt đê đã giảm so với thiết kế... nên khả năng phòng chống, ứng phó với triều cường, bão trong thời gian tới sẽ hạn chế.
Trước tình hình thiên tai hạn mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển... ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bến Tre kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí trên 3.500 tỷ đồng để Bến Tre đầu tư tiếp hồ chứa nước ngọt ở 3 huyện ven biển nhằm đảm bảo khả năng trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng ven biển; tiếp tục triển khai đầu tư tiếp các hạng mục Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre; xây dựng tiếp các cống tại các cửa sông, rạch lớn cho khu vực Nam Bến Tre đảm bảo khép kín vòng ngăn mặn, trữ ngọt.
Tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị Trung ương sớm triển khai Nhà máy nước Sông Tiền 2 tại Vĩnh Long để cấp nước sinh hoạt cho ba tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre và xem xét đầu tư tuyến ống dẫn nước thô cho các tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre theo Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được duyệt tại Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 8/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre kiến nghị các cơ quan nghiên cứu khoa học... tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bến Tre rà soát, đánh giá các khu vực đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở để khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp xử lý, khắc phục cho phù hợp.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đánh giá cao tỉnh Bến Tre đã chủ động ban hành kế hoạch, tổ chức lực lượng từ cấp tỉnh cho đến cơ sở trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2020.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng lưu ý, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục triển khai xây dựng những công trình phòng, chống thiên tai theo kế hoạch; thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung, lắp đặt các thiết bị rà soát dự báo lượng mưa, biển báo tại các điểm sạt lở cảnh báo người dân; tăng cường quỹ phòng chống thiên tai; đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Đồng thời, các ngành, các cấp, địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền nhận thức của người dân chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai.
Đối với những kiến nghị của tỉnh, Đoàn sẽ ghi nhận và cố gắng trình cấp lãnh đạo về đề xuất, kiến nghị của tỉnh trong hỗ trợ xây dựng các dự án, công trình ứng phó, phòng chống thiên tai.
Sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại cống Trung Nhuận, huyện Giồng Trôm và hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri.