Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch và giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn đảm bảo phù hợp với đề án phát triển kinh tế ban đêm và thực tiễn của các địa phương; xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế ban đêm gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cùng đó, quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ, các hoạt động ẩm thực, chợ đêm hoặc phố đi bộ đa dạng, phong phú và có nhiều sự lựa chọn hơn cho du khách. Các hoạt động giải trí, biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm; hệ thống cửa hàng, siêu thị, khu mua sắm... triển khai hoạt động vào ban đêm một cách đồng bộ.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đa dạng hóa hình thức truyền thông các hoạt động trọng tâm, trọng điểm, nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân về phát triển kinh tế ban đêm. Qua đó, tạo sự đồng thuận của người dân và khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động kinh tế ban đêm với vai trò vừa là người cung cấp vừa là người trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ.
Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm theo hướng hiệu quả và bền vững dựa trên cơ sở kết hợp các hoạt động kinh tế ban đêm hiện đại với tận dụng và phát huy tối đa thuần phong mỹ tục, văn hoá đặc sắc của Bến Tre, nhằm kéo dài thời gian hoạt động kinh tế ban đêm của người dân địa phương và thu hút khách du lịch. Từ đó, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Bến Tre và phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước. Tổng nhu cầu vốn cho các dự án trực tiếp phát triển kinh tế ban đêm ở Bến Tre là 7 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước 0 tỷ đồng, xã hội hoá là 307 tỷ đồng.
Theo đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, hình thành ít nhất 2 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm; phát triển ít nhất 2-3 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương. Đồng thời, hình thành ít nhất 3 tour, tuyến du lịch đặc sắc kết hợp kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 2-3 ngày.
Đến năm 2030, tỉnh hình thành ít nhất 4 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm; phát triển ít nhất 5-6 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương; hình thành ít nhất 5 tour, tuyến du lịch đặc sắc kết hợp kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 2-3 ngày.
Theo đề án, Bến Tre chú trọng phát triển đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí ban đêm nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách nhau, bao gồm các sản phẩm gắn với xu hướng, thị hiếu của giới trẻ và các sản phẩm khai thác được các nét đẹp văn hóa, lịch sử của Bến Tre.
Thêm vào đó, tỉnh xây dựng sản phẩm vui chơi giải trí ban đêm đặc thù phù hợp với điều kiện của Bến Tre góp phần xây dựng thương hiệu Bến Tre ở trong nước và quốc tế. Cụ thể, tỉnh hình thành các show diễn, vở diễn ban đêm gắn với “thương hiệu” Bến Tre như phong trào Đồng Khởi; nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu; tổ chức các sự kiện, Festival gắn với các lễ hội hoặc các sản phẩm đặc trưng của Bến Tre như: Festival dừa, Festival trái cây, hoa kiểng...
Hơn nữa, Bến Tre quảng bá rộng rãi và khuyến khích các nhà hàng chế biến các món ăn đặc sản gắn với thương hiệu của tỉnh như sản phẩm từ dừa (nghiên cứu, bổ sung thêm các món ăn chế biến từ dừa ngoài 222 món ăn chế biến từ dừa đã được xác lập kỷ lục). Ngoài các món ăn từ dừa, nghiên cứu thêm các món ăn chế biến từ bưởi, sầu riêng, hải sản (cua biển, tôm), các sản phẩm gắn với làng nghề như: rượu Phú Lễ, khô tôm tích, khô cá đuối, lạp xưởng (Ba Tri); bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm); bánh dừa Giồng Luông…
Mặt khác, địa phương phát triển các sản phẩm du lịch về đêm tại Bến Tre gồm: mua sắm, vui chơi giải trí tại các tuyến phố đi bộ; đi thuyền trên sông, thưởng thức nghệ thuật; ẩm thực, du lịch MICE… Tỉnh tăng cường quảng bá các sản phẩm cả trong và ngoài nước, khuyến khích phát triển các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm đặc trưng hàng thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa; sản phẩm dừa sấy khô, kẹo dừa, các sản phẩm của các làng nghề, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đã được chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cá nhân, nhãn hiệu tập thể.