Bên cạnh đó, hiện ở Bình Định các hồ chứa chỉ đạt 70% dung tích thiết kế và chỉ bằng 93% cùng kỳ năm trước, do đó UBND tỉnh đã có chỉ thị số 09/CT-UBND yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2023, trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện tổ chức kiểm kê nguồn nước các hồ chứa thủy lợi được giao quản lý để xây dựng phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho vụ Hè Thu; chuyển đổi cây trồng phù hợp với nguồn nước hiện có, hạn chế tác động của thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các giải pháp tưới tiết kiệm nước, lập kế hoạch dùng nước, lịch tưới, mức tưới tiết kiệm của từng đợt; chỉ đạo nạo vét kênh mương, kênh mương nội đồng, tạo thông thoáng đưa nhanh nước vào ruộng. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn Bình Định để vận hành điều tiết các hồ chứa phù hợp. Trường hợp có mưa tiểu mãn cuối tháng 5 đầu tháng 6, cần trữ nước trong ruộng, đóng tất cả các cống lấy nước hồ chứa để giữ nước.
Cùng với đó, chỉ đạo UBND cấp xã củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở, đội thủy nông, thực hiện nghiêm việc giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi, tổ chức phân phối nước đến mặt ruộng theo kế hoạch tưới; tổ chức bảo trì thiết bị bơm, nạo vét bể hút, bể xả, vét kênh mương; thống kê các máy bơm hiện có trên địa bàn để huy động chống hạn khi cần thiết. Chỉ đạo các đơn vị cấp nước sạch do huyện quản lý: Kiểm kê nguồn nước, bảo trì thiết bị, đường ống từng nhà máy; các nhà máy cấp nước sạch sẵn sàng hoạt động đạt công suất tối đa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân, mở mạng cấp nước sạch đến hộ gia đình. Thống kê các thiết bị chứa, vận chuyển nước sạch hiện có trên địa bàn để huy động vận chuyển nước sạch đến các cụm dân cư bị thiếu nước.
Tuyên truyền đến người dân về tình trạng nắng nóng bất thường, có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt để người dân biết, chia sẻ và chủ động cùng thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước. Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán; trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng ngân sách của địa phương, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, phổ biến đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó; tính toán cân bằng nước cho mỗi hồ chứa lớn, mỗi hệ thống thủy lợi để xác định khả năng cung cấp nước; xây dựng phương án ứng phó hạn; kế hoạch điều tiết nước, chuyển nước, phân phối nước vào hệ thống bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt vụ Hè và vụ Thu năm 2023.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch cấp nước theo từng công trình quản lý và thông báo đến địa phương về kế hoạch tưới nước, lập lịch bơm nước, kể cả phương án tưới luân phiên khi mực nước sông bị hạ thấp; phân công cán bộ kỹ thuật hỗ trợ các xã triển khai các biện pháp đưa nước vào nội đồng; đồng thời tổ chức bảo trì công trình, nạo vét các kênh dẫn nước; bảo trì các máy bơm, trạm bơm đã chiến để sẵn sàng bơm nước khi nắng nóng kéo dài. Tổ chức giao nhận nguồn nước cho các tổ chức thủy lợi cơ sở phải rõ ràng, cụ thể. Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn bảo trì giếng khai thác, thiết bị bơm, thiết bị xử lý nước, đường ống các nhà máy nước sạch nông thôn được giao quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch; sẵn sàng hỗ trợ nguồn nước sạch cho các vùng khác khi chính quyền địa phương có yêu cầu…