Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay một số giải pháp cấp bách để đảm bảo an toàn cho nhân dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét như: Kiên quyết di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; dự phòng lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở nhằm ổn định đời sống cho các hộ gia đình bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng tránh; rà soát, kịp thời phát hiện khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét nhất là khu vực có dân cư, trường học, công sở, nhà máy, xí nghiệp…
Về lâu dài, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình tại khu vực có địa hình sườn dốc, ven sông, suối, hành lang bảo vệ đê kè, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Đặc biệt, tỉnh Bình Định nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng ven biển; tổ chức rà soát, thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm, triệt để trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất, quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản cát, đất, đá trái phép...
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi thực hiện công tác bảo đảm an toàn công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi cũng như tổ chức, hướng dẫn thực hiện bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, khai thác, vận hành công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi, công trình chống úng, chống hạn và chống xâm nhập mặn theo quy định của ngành. Bên cạnh đó, hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển thực hiện bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.
Sở Giao thông vận tải rà soát, kiểm tra các tuyến đường tỉnh; kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu và cập nhật vào phương án ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương đôn đốc, hướng dẫn các chủ đập thủy điện xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du, rà soát phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tổ chức ứng phó hiệu quả tình huống sự cố, thiên tai theo kế hoạch hiệp đồng; kiểm tra, rà soát, điều chỉnh các kế hoạch, phương án phù hợp thực tế; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động ứng phó, xử lý tình huống xảy ra do thiên tai...
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực ứng phó, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra trên biển, bờ biển thuộc thẩm quyền; chủ động phối hợp với lực lượng quân sự, Công an tỉnh trong công tác sơ tán dân khi xảy ra mưa lớn, nguy cơ cao sạt lở đất đá, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Năm 2022, tại Bình Định, diễn biến thời tiết và thiên tai khó lường. Mưa lớn diện rộng trong tháng 10, 11 và 12 đã gây ra 3 đợt lũ lụt. Thiên tai làm thiệt hại về sản xuất và tài sản nhân dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2023, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định, khu vực tỉnh có những hiện tượng thiên tai bất thường, bão mạnh, mưa cường độ cao. Cơ quan chuyên môn đã xây dựng 7 kịch bản ứng phó với thiên tai, trong đó có 4 kịch bản về ứng phó với bão và 3 kịch bản ứng phó với lũ.