Bình Dương: Mạnh tay đầu tư chống ngập, cải tạo đô thị bền vững

Sau chùm bài của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) với chủ đề “Ứng phó biến đổi khí hậu, hành động quyết liệt vì tương lai bền vững”, tỉnh Bình Dương đã quan tâm đặc biệt và ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm và những công trình chống ngập và thoát nước đô thị.

 Đây được xem là động thái tích cực để địa phương hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Chú thích ảnh
Hệ thống đường ven sông Sài Gòn triển khai đồng bộ cống ngăn triều ven sông.

Đột phá trong bố trí vốn năm 2025

Năm 2025, tỉnh Bình Dương dự kiến phân bổ khoảng 36.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các công trình trọng điểm, riêng lĩnh vực chống ngập và thoát nước đô thị được ưu tiên khoảng 5.000 tỷ đồng. Cụ thể, các dự án quan trọng bao gồm: Nạo vét Suối Cái; cải thiện môi trường nước Bình Dương; xây dựng Suối Bình Thắng; đầu tư giải quyết điểm ngập tại Ngã Ba Cống đường Thích Quảng Đức (giai đoạn 2); xây dựng tuyến thoát nước Suối Giữa (từ trạm thu phí đến cầu Bà Cô, bao gồm rạch Bưng Cầu).

Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Nông nghiệp tỉnh cho biết, nhờ sự phản ánh chân thực của TTXVN, tỉnh đang xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư chống ngập, cải tạo đô thị bền vững.

Ngoài các dự án chống ngập, tỉnh còn bố trí khoảng 21.000 tỷ đồng cho các công trình giao thông chiến lược, như đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, các đoạn của đường Vành đai 3, Vành đai 4, cùng hàng loạt tuyến giao thông kết nối vùng khác. Đặc biệt, khoảng 8.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho việc chỉnh trang đô thị trong năm 2025; trong đó có khu vực đường ven sông Sài Gòn là 1.600 tỷ đồng.

Trong chuyến khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho rằng, vai trò quan trọng của các tuyến đường ven sông Sài Gòn trong việc vừa phát triển giao thông, nâng cấp đô thị, khơi thông sử dụng tài nguyên đất, vừa gắn giải pháp giảm thiểu tình trạng ngập úng do triều cường.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, việc giải quyết ngập úng tại các khu vực trọng điểm là nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điển hình là đoạn cống ngăn triều đã hoàn thành tại khu vực phường Bình Nhâm, thành phố Thuận An và đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc kiểm soát ngập lụt. Trên cơ sở đó, Bí thư Nguyễn Văn Lợi yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp chặt chẽ với các thành phố Thuận An và Thủ Dầu Một để triển khai hệ thống cống ngăn triều trên toàn bộ tuyến đường ven sông Sài Gòn. Đây là khu vực có nhiều kênh rạch, nơi tình trạng ngập úng xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến đời sống và giao thông của người dân.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (áo xanh) khảo sát làm đường ven sông Sài Gòn.

Đồng thời, Bí thư Nguyễn Văn Lợi cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thiết kế và xây dựng, đảm bảo sự đồng bộ giữa các công trình ngăn triều và các tuyến giao thông nhằm mang lại hiệu quả tối ưu trong quản lý và phát triển đô thị

Đáng chú ý, tỉnh đang áp dụng mô hình “đầu tư dẫn dắt”, kết hợp ngân sách nhà nước với huy động nguồn lực xã hội và khai thác hiệu quả quỹ đất thông qua đấu giá đất công. Theo đó, tỉnh giao thành phố Thuận An sẽ tự chủ khoảng 4.000 tỷ đồng để làm đường ven sông Sài Gòn bằng phát triển quỹ đất, trong khi tỉnh chỉ hỗ trợ “vốn dẫn dắt”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An cho rằng, thành phố đã nhận lệnh từ Bí thư Tỉnh ủy, theo đó phải nỗ lực huy động mọi nguồn lực để triển khai dự án đường ven sông Sài Gòn, triển khai đồng bộ cống ngăn triều chống ngập; đặc biệt tại khu vực Vĩnh Phú - cửa ngõ vào Bình Dương. Về nguồn vốn đầu tư sẽ tận dụng đấu giá đất công, kết hợp xã hội hóa để đầu tư mạnh vào những công trình trọng điểm, cải tạo hạ tầng, mở rộng không gian phát triển đô thị sinh thái ven sông Sài Gòn, phát huy sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.

Đảm bảo giải ngân hiệu quả

Mặc dù kế hoạch phân bổ vốn đã rõ ràng, việc giải ngân hết 36.000 tỷ đồng trong năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh, để đô thị không còn ngập úng, các chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, tránh tình trạng “vốn chờ dự án”.

Bên cạnh đó, 3 điều kiện tiên quyết để đảm bảo giải ngân hiệu quả bao gồm: Thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo nguồn thu ngân sách; hoàn thiện thủ tục hành chính để các dự án có thể triển khai đúng tiến độ; nâng cao năng lực tổ chức, phối hợp giữa các đơn vị liên quan.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cũng yêu cầu tinh thần “Phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm. Tất cả các khâu, từ quy trình giải phóng mặt bằng đến thẩm định dự án, đều phải được tổ chức bài bản và đồng bộ”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc trong từng khâu triển khai để xử lý các điểm nghẽn ngay từ đầu. Theo đó, tất cả các khâu, từ quy trình giải phóng mặt bằng đến thẩm định dự án, đều phải được tổ chức bài bản và đồng bộ.

Hành động của Bình Dương không chỉ là phản ứng trước tình hình biến đổi khí hậu, còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phát triển bền vững. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh kỳ vọng sẽ biến những thách thức hiện tại thành cơ hội, đưa Bình Dương trở thành đô thị kiểu mẫu, đáng sống và thu hút đầu tư mạnh mẽ trong tương lai.

Trước đó, TTTXVN đã có loạt bài phản ánh về vấn đề "Ứng phó biến đổi khí hậu: Hành động quyết liệt vì tương lai bền vững," chỉ rõ những áp lực lớn lên hệ thống thoát nước do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ kết hợp với tình trạng thời tiết cực đoan gia tăng. Sự bùng nổ trong “cơn lốc” của các khu công nghiệp và đô thị khiến hệ thống thoát nước hiện tại không đáp ứng kịp trong điều kiện biến đổi khí hậu mưa cực đoan gây ngập cho đô thị ngày càng gia tăng. 

Cũng tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 39, khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng) ngày 29/11, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã nhấn mạnh yêu cầu các cấp, ngành quan tâm việc phát triển đô thị Bình Dương phải gắn liền với công nghiệp, tạo nên sự hài hòa giữa hiện đại hóa và cải tạo đô thị. Mục tiêu là xây dựng một đô thị "không ngập, không rác, không kẹt xe" với môi trường sống an toàn, thông minh, xanh, sạch.

Bài, ảnh: Dương Chí Tưởng (TTXVN)
Chống lãng phí trong phát triển kinh tế - Bài 3: Trắc trở dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Chống lãng phí trong phát triển kinh tế - Bài 3: Trắc trở dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư xác định ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6/2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành được do vướng mắc về pháp lý, không có nguồn vốn để hoàn thành công trình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN