Với nền tảng sẵn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đặt quyết tâm cao hơn trong giai đoạn mới, với khát vọng vươn lên giàu mạnh và phát triển bền vững.
Hiệu quả mô hình khu công nghiệp
Đóng góp to lớn vào thành tựu nổi bật về kinh tế là nhờ kết quả thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước làm thay đổi diện mạo một tỉnh thuần nông.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Võ Hoàng Ngân tại Hội nghị tiếp xúc trên 200 doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, hiện tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh cao nhất nước là 82%, với ba thành phố và hai thị xã; cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị phát triển đồng bộ hoàn thiện hiện đại.
Có thể nói ở Bình Dương, “công nghiệp đi tới đâu, đô thị hóa nhanh tới đó”. Các khu công nghiệp mở mang, thu hút nhà đầu tư xây nhà máy, đưa công nhân, người lao động về sản xuất, qua đó hình thành phố thị và các khu mua sắm mọc lên rất nhanh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cho rằng, xuất phát là một địa phương nghèo về nông nghiệp nhưng sau 24 năm tái lập, tỉnh đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong địa phương phát triển công nghiệp năng động của Việt Nam. Bình Dương hiện có cơ cấu công nghiệp chiếm trên 97%, nông nghiệp còn dưới 3%. Tỉnh có 29 khu công nghiệp tập trung và 10 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy 87%, các cụm công nghiệp lấp đầy 67%. Quá trình phát triển công nghiệp đã thu hút gần 4.000 dự án vốn đầu tư nước ngoài của 66 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đã giải ngân xây dựng nhà máy hoạt động trên địa bàn tỉnh hơn 35,4 tỷ USD.
Đến cuối năm 2020, tuy gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, song Bình Dương vẫn đảm bảo tăng trưởng ở mức cao, góp phần vào thu nhập bình quân đầu người đạt 6.700 USD/người/năm, thuộc nhóm tỉnh đứng đầu cả nước.
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Bình Dương, thời gian qua, tỉnh đã thành công về thu hút đầu tư. Đến nay, Bình Dương đang chuyển dần sang thu hút đầu tư có chọn lọc dựa trên yêu cầu khoa học - công nghệ hiện đại; trong đó, ưu tiên tập trung thu hút vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn…
Cùng với đó, tỉnh đang khuyến khích hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược, dự án đầu tư quy mô lớn; thường xuyên tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Riêng trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song thu hút đầu tư nước ngoài trong tỉnh vẫn đạt 1,9 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư FDI thu hút vào các khu công nghiệp đạt trên 1 tỷ USD...
Những con số ấn tượng
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết: Khép lại năm 2020 là năm đầy thách thức vì ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng Bình Dương đã không điều chỉnh thay đổi phát triển thụt lùi, mà vẫn đảm bảo “thắng lợi kép” vừa phòng dịch bệnh tốt, vừa duy trì mức tăng trưởng cao. Tính đến cuối tháng 12/2020, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã rót vào tỉnh đạt hơn 1,9 tỷ USD. Đây là tín hiệu tốt về môi trường đầu tư của tỉnh luôn hấp dẫn, góp phần tạo tiền đề cho các mục tiêu tăng trưởng mới của năm sau.
Ông Mai Hùng Dũng thông tin thêm về kết quả tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2020 đã tăng 6,91% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu đạt 27,4 tỷ USD tăng 8,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 21 tỷ USD tăng 7,6%, góp phần vào thặng dư thương mại 6 tỷ USD. Thu ngân sách cả năm 2020 đạt xấp xỉ 60 nghìn tỷ đồng. Đây là những con số tượng để Bình Dương tự tin bước vào nhiệm kỳ mới với “khát vọng” vươn lên trở thành vùng đổi mới sáng tạo, một tỉnh phát triển năng động và bền vững hơn nữa.
Điểm ấn tượng nhất là, mặc dù trong nước chịu ảnh hưởng lớn dịch COVID-19, song không chỉ thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài, mà dòng vốn đầu tư trong nước cũng đạt 70.051 tỷ đồng, cao hơn năm 2019 khoảng 11.000 tỷ đồng và cao nhất từ trước tới nay. Lũy kế đến nay, Bình Dương có 48.456 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 434.708 tỷ đồng.
Dòng vốn đầu tư vốn trong và ngoài nước rót mạnh vào phát triển kinh tế xây dựng Bình Dương trở thành mô hình điểm hiệu quả về phát triển, góp phần giải quyết hàng triệu việc làm; trong đó, mỗi năm tạo ra 45.000 chỗ làm cho người lao động.
Theo ông Dũng, bằng nền tảng sẵn có về phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị, mạng lưới giao thông đồng bộ hiện đại và hệ thống các khu công nghiệp, Bình Dương đặt quyết tâm nâng dần chất lượng về phát triển mới, thu hút đầu tư gắn với sản xuất theo xu hướng khoa học - công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động từ nay đến năm 2030; biến Bình Dương thành “Vùng đổi mới sáng tạo”. Đây là định hướng bước đi tiếp sau Đề án thành phố thông minh.
Cụ thể, tỉnh sẽ mở rộng không gian phát triển từ Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương lên “Vùng đổi mới sáng tạo”. Bước định hướng này kỳ vọng sẽ thúc đẩy và xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, tạo ra hàng hóa có giá trị cao hơn và môi trường sống lành mạnh...
Riêng về công cuộc chuyển đổi số, Bình Dương được đánh giá là một trong địa phương tiên phong đi đầu về mô hình tiếp thị thu hút đầu tư thông qua trực tuyến khá thành công.
Nâng chất lượng tăng trưởng
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, tiếp đà cho mục tiêu tăng trưởng 5 năm tới (2020-2025), tỉnh sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nhiệm vụ trước mắt trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Bình Dương sẽ tập trung xây dựng hạ tầng giao thông trong tỉnh hoàn chỉnh và kết nối vùng; áp dụng công nghệ số, khoa học công nghệ vào sản xuất và đào tạo nhân lực có tay nghề, để đáp ứng ngày càng cao của doanh nghiệp. Với những định hướng cơ bản này, Bình Dương quyết tâm nâng cao chất lượng phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh đã xác định các mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Bình Dương sẽ là trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và hoàn thành việc xây dựng đô thị thông minh.
Bình Dương phấn đấu GRDP tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm; thu ngân sách tăng 8%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%; GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33 - 34% GRDP; thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ USD…
Căn cứ vào ba chiến lược đột phá trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng và mục tiêu phát triển của tỉnh thời gian tới, Tỉnh ủy Bình Dương xác định bốn chương trình đột phá: phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và đô thị; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; nâng cao chất lượng công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đảng viên, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, mục tiêu lớn của tỉnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao tương xứng với phát triển công nghiệp và đô thị; tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tập trung xây dựng đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Song song đó, tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nên những động lực mới, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước, tỉnh huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị; chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để mở rộng kết nối vùng, khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo ông Nam, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Dương ý thức được rằng những thành quả đạt được trong thời gian qua là rất quan trọng, nhưng mới là bước đầu trong tiến trình phát triển. Do đó, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và đột phá hơn nữa để xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, giàu đẹp và văn minh, cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.