Cần đưa vaccine sớm đến với công nhân
Tại buổi làm việc, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp cho biết sẵn sàng hỗ trợ Nhà nước phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, theo ông Phạm Ngọc Thuận, đại diện Tổng Công ty Becamex IDC, ngoài việc ủng hộ 185 tỷ đồng vào Quỹ phòng COVID-19, Tổng công ty đang tham gia xây dựng hai bệnh viện dã chiến với quy mô 3.000 giường bệnh để sẵn sàng ứng phó trong tình huống xấu dịch có bùng phát để kịp thời điều trị cho bệnh nhân.
Ông Bùi Mạnh Lân, Chủ đầu tư khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An cho biết, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp gặp khó khăn do dịch xảy ra và bị phong tỏa. Dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 6 doanh nghiệp lớn ảnh hưởng đến 35.000 công nhân lao động. Trong số đó, có 13.000 công nhân bị phong tỏa để lấy mẫu xét nghiệm nhưng việc lấy mẫu xét nghiệm chưa kịp thời, công nhân bị phong tỏa chờ đợi khám sàng lọc mất rất nhiều thời gian.
Ông Bùi Mạnh Lân cho hay, do lo sợ, nhiều doanh nghiệp tạm thời ngừng sản xuất, do nhà máy nơi chồng làm việc xảy ra dịch bệnh có liên quan đến vợ làm ở một nhà máy khác khiến các chủ doanh nghiệp sợ lây dịch nên tạm thời ngừng sản xuất.
“Theo đó, tôi đề nghị ngành y tế cần phối hợp cụ thể hơn nữa với doanh nghiệp, có phương án tốt đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, giải phóng cho công nhân. Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ nếu ngành y tế và địa phương có yêu cầu như mua trang thiết bị, vật tư phục vụ cho việc phòng, chống COVID-19”, ông Bùi Mạnh Lân chia sẻ.
Ông Nguyễn Phú Thịnh, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đề nghị cần tổ chức làm test nhanh để sàng lọc F0 nếu có tại các nhà máy; qua đó cách ly F1, F2 tại nhà. Sau sàng lọc, số công nhân đảm bảo sức khỏe an toàn được bố trí “ 3 tại chỗ” trực tiếp sản xuất. Hiện tại, khu công nghiệp VSIP đã xây dựng kế hoạch “3 tại chỗ” cho một số bộ phận quan trọng như điện, nước và các khâu quan trọng khác ở lại làm việc trong 10 ngày. Ngoài ra, khu công nghiệp còn dành một số nhà xưởng không cho thuê để sẵn sàng khi nhà nước có yêu cầu hỗ trợ tạo chỗ cách ly cho phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Võ Tương Lai, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn đầu tư và Xây dựng Tân Đông Hiệp cho biết, hiện nay dịch vụ làm test nhanh rất tốn kém chi phí gần bằng ngang ngửa với việc mua vaccine để tiêm. Nếu làm test nhanh cho hầu hết công nhân tại các khu công nghiệp phải tốn chi phí hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, đề nghị Chính phủ nhanh chóng cấp vaccine cho Bình Dương để tiêm cho người lao động, sớm tạo miễn dịch cho cộng đồng, giúp các chủ doanh nghiệp tự tin tổ chức sản xuất trong điều kiện mới.
“Thời gian vàng” còn 10 - 15 ngày dập dịch
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, tỉnh vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ chống đứt gãy chuỗi sản xuất, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Lợi, kết quả kinh tế - xã hội đạt được của tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2021 là rất phấn khởi; trong đó, kết quả sản xuất trong khu công nghiệp; thu hút đầu tư, xuất khẩu… đều cao hơn so với cùng kỳ. Nhưng hiện nay toàn tỉnh đang đương đầu với thách thức khó khăn rất lớn là dịch bệnh gia tăng, phức tạp. Nếu không có chỉ đạo quyết liệt, không tổ chức thực hiện kịp thời để ngăn chặn dịch sẽ làm đứt gãy chuỗi sản xuất và không thực hiện được mục tiêu kép.
“Những khó khăn chung hiện nay và sắp tới của doanh nghiệp, chúng tôi xem là khó khăn của chính mình để cùng nhau tháo gỡ. Do đó, hiện không thể đổ lỗi cho nhau, mà cùng nhau hợp lực có hiệu quả trong phòng chống dịch để duy trì ổn định sản xuất, thực hiện mục tiêu kép mà Trung ương và Chính phủ đã chỉ đạo”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương chia sẻ.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương còn cho rằng, thời gian "vàng” dập dịch còn hơn 10 - 15 ngày nữa, hiện các bộ, ngành Trung ương đã cử các đoàn chuyên gia đến Bình Dương cùng phối hợp thực hiện những biện pháp quyết liệt để đạt hiệu quả phòng, chống dịch trong thời gian này.
Để chống đứt gãy sản xuất, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh xây dựng lại kịch bản kiện toàn phòng chống dịch bệnh theo hướng phát huy vai trò của các tổ phòng chống dịch các cấp một cách thực chất, hiệu quả, trên cơ sở có sự phối hợp cao độ giữa các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp như mời chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
Cụ thể, mời chủ doanh nghiệp tham gia vào Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của tỉnh, của huyện, thị, thành lập nhóm kiện toàn thông qua mạng zalo để hiểu tình hình, phối hợp xử lý cho tốt. Khu công nghiệp có doanh nghiệp trên địa bàn nào sẽ tham gia vào ban chỉ đạo ở huyện, thị đó để phối hợp. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào ban chỉ đạo và kiện toàn tất cả đoàn thể hội nông dân, thanh niên, hội phụ nữ và các chủ nhà trọ cùng tham gia phòng, chống dịch.
Về tổ chức sản xuất an toàn, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, nguy cơ thấp thì phải khử khuẩn, khám sàng lọc an toàn tổ chức “3 tại chỗ” cho công nhân ăn, ở, sản xuất tại chỗ, vận động các doanh nghiệp chia sẻ trong điều kiện khó khăn nhất hiện nay để không đứt gãy chuỗi sản xuất. Tận dụng trong thời gian 10 ngày nữa để sàng lọc hết F0 và dần dần ổn định sản xuất.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ hoạt động xuất nhập khẩu do trong điều kiện thực hiện chỉ thị 16 nên cản trở giao thông, cần phun khử container, xét nghiệm sàng lọc cán bộ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, để tiêu thụ hàng hóa. Các ngành, địa phương cần có sự phối hợp trong bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm phòng chống dịch; tạo điều kiện cho người lao động, nhất là trong khu vực cách ly. Các tổ chức cần tiếp tục kịp thời hỗ trợ các chế độ đến người lao động theo quy định.