Hai dự án này được đưa vào khai thác sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng về sự chuẩn bị của địa phương trong việc tận dụng lợi thế khi 2 tuyến cao tốc trên được đưa khai thác.
Ông đánh giá thế nào về sự kiện hai tuyến đường bộ cao tốc qua tỉnh sắp được đưa vào khai thác?
Bức tranh kinh tế của tỉnh Bình Thuận ngày càng được tô bằng những điểm sáng; trong đó, việc đưa tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua tỉnh Bình Thuận dài 160,3 km vào khai thác, sử dụng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết trong năm 2023 là một sự kiện được nhân dân tỉnh Bình Thuận dành rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng. Đó sẽ là động lực để tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc, cũng như tăng cường hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tỉnh Bình Thuận đã có sự chuẩn bị gì để tận dụng lợi thế mà các tuyến cao tốc mang lại?
Ông Đoàn Anh Dũng: Để có thể khai thác được tối đa các cơ hội mà dự án cao tốc mang lại, tỉnh Bình Thuận đã và đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Trước hết, là tập trung hoàn chỉnh và triển khai tốt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sớm xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu để cập nhật các thông tin về quy hoạch và các cơ chế, chính sách mới của các địa phương, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, nội vùng và liên vùng nhằm khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh theo định hướng quy hoạch.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại là các tuyến đường kết nối, tuyến đường ven biển để sớm đưa vào khai thác như: Đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện), đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà), đường Hàm Kiệm - Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B), đường ĐT.719B (đoạn Hòn Lan - Tân Hải) và quốc lộ 28B chuẩn bị được thi công nâng cấp, đồng thời kiến nghị trung ương đầu tư mở rộng Quốc lộ 28, Quốc lộ 55, ĐT.711… kết nối với khu vực Tây Nguyên. Khai thác hiệu quả cảng quốc tế Vĩnh Tân, kết nối vận tải biển với đường bộ, đường sắt để phát triển hệ thống dịch vụ logistics.
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào Bình Thuận phát triển 3 trụ cột kinh tế "Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao", trong đó chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua hình thức hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, Khu công nghiệp Tuy Phong, Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 và sớm triển khai đầu tư Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, Khu công nghiệp Tân Đức để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Tỉnh cũng sẽ tổ chức thành công chuỗi các sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội Tụ Xanh", qua đó giới thiệu hình ảnh, con người, du lịch Bình Thuận, khẳng định điểm đến "An toàn, thân thiện, hấp dẫn, chất lượng" với du khách trong và ngoài nước. Với sự chủ động, cùng với sự kiện Bình Thuận đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023, chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn, giúp Bình Thuận bứt phá hơn nữa trong thời gian tới./.
Xin cảm ơn ông!