Tại kỳ họp, đại biểu Hội đồng nhân dân đã thảo luận và thông qua Nghị quyết Quy định vùng nuôi chim yến; khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác; chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Tình trạng này đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nhất là các hộ dân xung quanh các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do đó, việc di dời các cơ sở chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ ra khỏi khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư đến vùng nông thôn nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và cải thiện môi trường sống cho người dân là một nhiệm vụ cần thiết trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bên cạnh đó, hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.425 cơ sở dẫn dụ và nuôi chim yến. Đa số phát triển một cách tự phát. Nhiều nhà yến xây dựng xen kẽ trong khu dân cư, phát sinh tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ. Do đó, việc quy định vùng nuôi chim yến nhằm hạn chế tình trạng người dân nuôi tự phát, nhất là các trường hợp sử dụng nhà ở trong khu dân cư để nuôi chim yến gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống người dân. Đồng thời, việc ban hành quy định tạo điều kiện cho các địa phương phát triển nghề nuôi chim yến đảm bảo phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an toàn dịch bệnh, định hướng nghề này phát triển bền vững và lâu dài.
Cùng với việc quy định vùng nuôi chim yến, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để giúp người dân di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi.
Tại kỳ họp họp, các đại biểu tập trung thảo luận, biểu quyết thông qua các nghị quyết quan trọng khác, như: Quy định mức hỗ trợ học phí năm học 2022 - 2023 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh; kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn tỉnh; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư hoàn chỉnh Khu tưới hệ thống thủy lợi Tà Pao…
Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết: các đại biểu thảo luận, thông qua các nghị quyết quan trọng, nhằm kịp thời tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách, quyết định chủ trương đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành kịp thời các nghị quyết nêu trên phù hợp với quy định hiện hành, là cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh.