Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi chim yến tự phát đã và đang gây ra nhiều hệ lụy của tiếng ồn từ máy phát dẫn dụ chim yến, làm mất mỹ quan đô thị, khó kiểm soát dịch bệnh.
Bức bối với những "pháo đài"
Hàng chục hộ dân tại khu phố 3, phường Đạo Long, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm mấy năm nay ăn ngủ không yên vì tiếng ồn từ máy phát dẫn dụ chim yến bật cả ngày lẫn đêm. Trong con hẻm nhỏ dài khoảng 500 mét có tới 5 nhà nuôi chim yến đồ sộ như những "pháo đài" khiến các hộ dân sống xung quanh rất bức bối.
Bà V.T.N.M (khu phố 3, phường Đạo Long) cho biết, nhà nuôi chim yến của hàng xóm sát tường nhà nên gia đình bà phải hứng chịu tiếng ồn ào từ máy phát trong nhiều năm nay. Tiếng ồn đã đành, còn lông và phân chim yến rơi xuống nhà, sân phơi quần áo rất hôi hám, ngày nào cũng phải quét dọn. Người lớn tuổi, người bệnh nghe tiếng máy phát ngủ không được, bà con kiến nghị chính quyền địa phương sớm có phương án xử lý những nhà nuôi chim yến để đảm bảo môi trường.
Bên cạnh gây tiếng ồn, ô nhiễm, việc xây dựng những nhà nuôi chim yến đồ sộ còn ảnh hưởng đến cấu nhà ở của những hộ dân sống xung quanh. Chỉ tay vào những vết nứt trong nhà vệ sinh, phòng ngủ, bà L. T. T. (khu phố 3, phường Đạo Long) cho hay, người ở địa phương khác đến cất nhà nuôi chim yến sát nhà bà gây nứt tường, nước và phân chim yến xả xuống thấm vào ố vàng tường nhà từ lầu một xuống đất.
Ngoài ra, nhiều con chim yến chết, phân rơi xuống chịu không thấu, trưa nắng tiếng máy kêu "xào xào" không ai nghỉ ngơi nổi. Mấy năm nay bà T đi kiện, chủ nhà nuôi chim yến có cho người xuống xem rồi sửa sơ giờ nứt tường lại như cũ, bà T dự định ăn Tết xong sẽ đi kiện lại.
Không chỉ một vài mà nhiều khu dân cư ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm rơi vào cảnh sống bức bối như vậy. Nhận thấy nghề nuôi chim yến khá phù hợp nên nhiều người đã đầu tư xây những ngôi nhà chim yến.
Theo thống kê, tỉnh Ninh Thuận hiện có tổng cộng 567 nhà nuôi chim yến và một công ty khai thác yến tự nhiên với quần đàn chim yến ước tính gần 508.000 con; trong đó, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với số lượng có 244 cơ sở nuôi chim yến, chiếm 43% nhà nuôi chim yến toàn tỉnh.
Năm 2014 nhằm phát triển nghề nuôi chim yến theo hướng bền vững và giải quyết việc làm cho cộng đồng; đồng thời định hướng các vùng nuôi chim yến để đảm bảo môi trường sinh thái, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ra Quyết định số 358/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Quy hoạch vùng nuôi chim yến tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, vùng nuôi chim yến được quy hoạch thành 9 khu vực với 3 mức độ ưu tiên.
Tuy nhiên, trong thời điểm từ năm 2014 đến hết năm 2019 (trước khi Luật Chăn nuôi ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020) chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở nuôi chim yến vi phạm về hoạt động nuôi chim yến.
Đồng thời, do phong trào tự phát và lợi nhuận kinh tế khá lớn do nuôi chim yến mang lại nên một số cơ sở nuôi chim yến đã xây dựng ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt, chủ yếu là cơ sở nuôi chim yến kết hợp nuôi yến ở trên và nhà sinh hoạt phía dưới.
Người dân sống quanh những ngôi nhà chim yến có cùng một bức xúc nhưng khó nói ra bởi đây là công việc làm ăn của hàng xóm. Chính vì điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân do tiếng ồn khi phát âm thanh dẫn dụ chim yến, làm mất mỹ quan đô thị, khó kiểm soát dịch bệnh. Một số nơi xảy ra tình trạng người dân thưa kiện các hộ nuôi chim yến bên cạnh nơi ở, đặt ra yêu cầu cho chính quyền sở tại giải quyết vấn đề này.
Giải pháp căn cơ
Để phát triển nghề nuôi chim yến bền vững, đầu năm 2022 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Huyền đã ký ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND về quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, kể từ ngày 16/1/2022 có 4 khu vực không được phép chăn nuôi, bao gồm cả hoạt động nuôi chim yến, đó là: Tất cả các phường và khu dân cư xã Thành Hải thuộc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; tất cả các khu dân cư thuộc thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải), thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) và thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn).
Còn lại, vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi nêu trên. Khi nuôi chim yến tại khu vực được cho phép, nhà yến cách khu dân cư, công sở, trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu 300m; bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến; đảm bảo không ảnh hưởng các khu chức năng khác đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, tất cả các nhà nuôi chim yến đã xây dựng, tồn tại trước khi Quyết định có hiệu lực thi hành mà nằm trong khu vực không được phép nuôi chim yến nêu trên sẽ không thực hiện di dời như các cơ sở chăn nuôi khác nhưng phải thực hiện một số vấn đề sau: Không được sử dụng hệ thống loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong suốt thời gian nuôi, chỉ sử dụng loa nhỏ gắn phía bên trong nhà nuôi, không được cơi nới, mở rộng nhà nuôi chim yến. Đối với những cơ sở muốn dựng mới nhà nuôi chim yến trong thời gian tới chỉ được phép xây dựng trong khu vực cho phép theo Quyết định trên của UBND tỉnh.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp triển khai thực hiện Quyết định quy định về hoạt động nuôi chim yến. Đặc biệt, UBND các xã, phường chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát người nuôi chim yến ở những khu vực được phép nuôi chim yến tuân thủ giờ giấc phát âm thanh máy phát dẫn dụ chim yến, buổi sáng từ 5 giờ đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 19 giờ, âm thanh không được vượt quá 70 dB tại miệng loa phóng phát.
Các cơ sở phải thực hiện đầy đủ các quy định về xây nhà nuôi chim yến, bảo vệ môi trường, không được săn bắt chim yến sử dụng vào mục đích làm thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Luật Chăn nuôi.
Bên cạnh các quy định về hoạt động nuôi chim yến, để bảo vệ môi trường, tỉnh Ninh Thuận quy định đối với các cơ sở chăn nuôi có thường xuyên từ 1 đơn vị vật nuôi (tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống) trở lên nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi (trừ cơ sở nuôi chim yến) hoạt động trước ngày Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành sẽ phải di dời cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp hoặc ngừng hoạt động chăn nuôi trước ngày 2/1/2025 và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Cụ thể, đối với các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc tự di dời cơ sở đến khu vực được phép chăn nuôi thì được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất trong thời gian 6 tháng.
Mức hỗ trợ tương đương 30 kg gạo/tháng/lao động (được quy đổi thành tiền) theo giá do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm hỗ trợ. Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi và di dời đến khu vực được phép chăn nuôi thì được hỗ trợ từ 2-30 triệu đồng/cơ sở, tùy vào quy mô chăn nuôi.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND về quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là cơ sở quan trọng để ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương chấn chỉnh lại hoạt động chăn nuôi trong khu đô thị, khu dân cư; trong đó, có hoạt động nuôi chim yến vốn gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.