Hội đồng nhân dân tỉnh đã thảo luận và thống nhất đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đạt 7,2%. Để hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu kinh tế - xã hội năm 2023, tỉnh tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cụ thể: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện và nâng cao các chỉ số PCI, Par Index, Papi, Sipas; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ...
Tỉnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là ba trụ cột: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Trong đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” gắn với tổ chức tốt Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại Bình Thuận. Tranh thủ hiệu ứng lan tỏa từ các chuỗi sự kiện, hoạt động Năm Du lịch Quốc gia 2023 và việc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) đoạn qua địa bàn đưa vào khai thác, sử dụng, Bình Thuận đẩy mạnh phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải, bất động sản…
Tỉnh tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm du lịch, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú, tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách. Tỉnh chủ động chuẩn bị các điều kiện tổ chức đón khách trong nước và quốc tế đến Bình Thuận, nhất là trong mùa du lịch Hè và Lễ Quốc khánh 2/9. Công tác xúc tiến, quảng bá các sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh (thanh long, nước mắm, hải sản chế biến...) sẽ được tăng cường để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tại kỳ họp, 23 Nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đã được thảo luận, thông qua. Nhiều Nghị quyết được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, nâng cao cuộc sống người dân như: Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm) thành phố Phan Thiết; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh, những Nghị quyết được thông qua sẽ tạo cở sở pháp lý cho các cấp, ngành tháo gỡ khó khăn triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội có hiệu quả. Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các cấp, ngành đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Ủy ban nhân dân tỉnh sớm cụ thể hóa các Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, để đưa Nghị quyết cuộc sống, phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Thuận đạt một số kết quả tích cực, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7,76% (xếp thứ 11/63 địa phương). Ngành Du lịch phục hồi và tăng trưởng nhanh. Toàn tỉnh đón hơn 4,4 triệu lượt khách (tăng 86,36% so với cùng kỳ năm 2022), doanh thu đạt 11.348 tỷ đồng (tăng gấp 2,52 lần). Tỉnh tổ chức thành công các chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2023, nhất là Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác, sử dụng đã tạo không khí phấn khởi trong nhân dân, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, du khách đến với Bình Thuận, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, tổ chức gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh thường xuyên đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Đến ngày 30/6/2023, vốn đầu tư công năm 2023 đã giải ngân đạt 1.442 tỷ đồng (đạt 29,61% kế hoạch).