Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 10m, rộng 2m, nằm cuối tuyến kè do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thi công năm 2019-2020. Vị trí sạt lở đe dọa đến tuyến đường giao thông trong khu vực.
Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, nguyên nhân sạt lở bờ Bắc rạch Cái Sắn bước đầu được xác định do ảnh hưởng dòng chảy của đoạn sông cong, nước xoáy, tác động của phương tiện giao thông thủy.
“Sau khi bờ Bắc rạch Cái Sắn xảy ra sạt lở, Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, phối hợp với người dân địa phương lắp dựng rào chắn tại vị trí sạt lở, giảm tải giao thông, treo biển cảnh báo, lắp đặt đèn cảnh báo”, ông Khanh cho biết thêm.
Rạch Cái Sắn đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên được tỉnh An Giang, đánh giá sạt lở thuộc mức độ đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến khu vực dân cư sinh sống tập trung.
Từ năm 2019 đến nay, rạch Cái Sắn đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá đã xảy ra 4 đợt sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Tỉnh An Giang đã xác định nguyên nhân sạt lở rạch Cái Sắn do khu vực nằm trên khúc cua, áp lực dòng chảy mạnh sát bờ vào mùa nước đổ. Ngoài ra, còn do khu vực bờ đối diện thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, nơi có nhiều nhà máy xay xát với nhiều phương tiện thủy lưu thông, quay đầu, làm dòng nước đập mạnh vào phía bờ An Giang, gây sạt lở.
Thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã đầu tư xây dựng kè khắc phục khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá, để giữ ổn định tuyến bờ, đảm bảo giao thông đường thủy và đường bộ được thuận lợi, từng bước ổn định cuộc sống, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương…