Chính sách đó không chỉ thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và giảm dần từng bản làng, từng số phận đặc biệt khó khăn, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, mà còn tăng cường niềm tin của đồng bào vào Đảng, Nhà nước và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Song, tại địa bàn có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại này, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách để chống phá với âm mưu, phương thức và những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc…
Bài 1: Giúp đồng bào đẩy lùi tà đạo
Mường Nhé (Điện Biên) - huyện cực Tây của Tổ quốc, giáp với hai nước láng giềng Trung Quốc và Lào. Gia Lai, Đắk Lắk là hai tỉnh của Tây Nguyên - khu vực chiến lược về an ninh quốc phòng với địa hình phức tạp, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những địa bàn trọng điểm này thời gian qua luôn “nóng” lên bởi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng mê tín dị đoan, lợi dụng thần quyền để lôi kéo, dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số vào các hoạt động chính trị, thực hiện các hành vi phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.
Những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật
Tháng 5/2011, hàng ngàn người dân tộc Mông từ nhiều nơi kéo về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để tụ tập “Xưng vua - lập Vương quốc Mông”, để có ấm no, hạnh phúc nhờ các thế lực siêu nhiên. Việc tụ tập này chỉ chấm dứt sau khi những đồng bào thiểu số chất phác, thật thà, dễ tin này được các cơ quan chức năng gặp gỡ, trao đổi, vận động đã nhận ra âm mưu chống phá của các đối tượng cầm đầu. Năm 2018, các đối tượng xấu lại từ bên ngoài lén lút tìm đến bà con dân tộc Mông ở Mường Nhé. Chúng xúi họ rằng, chỉ cần tham gia tà đạo “Bà Cô Dợ” và đọc kinh cầu nguyện sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, không làm cũng có ăn.
Chuyện những người dân tộc thiểu số tại Mường Nhé bị tà đạo “Bà Cô Dợ” lôi kéo cũng tương tự hơn 1.200 người Mông ở Điện Biên và nhiều tỉnh khác những năm gần đây bị tà đạo “Giê Sùa” dụ dỗ. Hầu hết những người sau khi thoát khỏi sự mê muội kể rằng, họ đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Song kẻ xấu lại dặn họ không được nhận sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, phải từ chối chính quyền hỗ trợ làm nhà cho người nghèo. Hai tà đạo này còn tiếp tục gieo rắc tư tưởng thành lập "Nhà nước Mông”.
Không khó để nhận thấy âm mưu của hai tà đạo “Bà Cô Dợ”, “Giê Sùa” cùng khoảng 100 tà đạo hoạt động tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Đây là các tà đạo từ nước ngoài lén lút xâm nhập vào trong nước, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới với những ý đồ xấu như tà đạo “Hà Mòn”, “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Việt Nam” ở khu vực Tây Nguyên. Các đối tượng thù địch lợi dụng các vấn đề về lịch sử, đất đai, một số hạn chế trong việc thực hiện các chính sách dân tộc để kích động đồng bào dân tộc thiểu số. 20 năm trước là cuộc gây rối do đối tượng Ksor Kok cầm đầu đòi lập ra cái gọi là “Nhà nước Đề Ga”. Mới đây nhất, vào tháng 6/2023 là vụ việc xảy ra ở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các phần tử xấu, thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước luôn tìm cách lợi dụng những biến đổi của quan hệ dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc, tôn giáo cực đoan, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng không những không từ bỏ mà sẽ tiếp tục lợi dụng các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, kích động xuyên tạc, làm phức tạp hóa, gây mâu thuẫn gia tăng, xung đột quan hệ dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên.
Đấu tranh đẩy lùi tà đạo
Trước những thực trạng trên, để nhân dân không tin, không nghe theo luận điệu của kẻ xấu và đấu tranh xóa bỏ tà đạo, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh đẩy lùi tà đạo.
Tại các huyện biên giới, Bộ đội Biên phòng cùng lực lượng chức năng nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng có liên quan đến hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, có tính cực đoan, không để hình thành tổ chức hoạt động trái pháp luật, gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, tuyên truyền nhận diện bản chất của các loại tà đạo bằng nhiều hình thức, như: Thông qua các hội nghị, cuộc họp dân, ngày lễ hội cổ truyền của từng dân tộc, các buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ, "Tiếng loa Biên phòng"...
Tại tỉnh Điện Biên, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tăng cường, phân công đảng viên phụ trách các địa bàn; chú trọng tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tờ gấp bằng nhiều thứ tiếng; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trực tiếp gặp các đối tượng theo tà đạo, nhất là đối tượng cầm đầu để tuyên truyền, đấu tranh, vạch rõ bản chất lừa mị, dối trá, kích động ly khai, tự trị của tà đạo.
Từ năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã phối hợp tổ chức gần 860 đợt tuần tra; giải quyết 17 vụ việc phức tạp; tổ chức hơn 200 buổi tuyên truyền cho gần 14.300 lượt người về bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục; phối hợp tuyên truyền 408 buổi cho gần 18.400 lượt người nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về âm mưu hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch và phần tử xấu... Đặc biệt, tại những bản có các hộ theo tà đạo, Bộ đội Biên phòng tỉnh trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động được nhiều hộ và cá nhân ký cam kết từ bỏ tà đạo.
Trong đấu tranh với tà đạo "Bà cô Dợ", "Giê Sùa", Công an huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho hay: Để giúp đồng bào hiểu rõ bản chất phản động của các loại tà đạo này, cán bộ, chiến sỹ đã thực hiện “3 bám, 4 cùng”. Nghĩa là bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tuyên truyền cho dân bản bằng nhiều thứ tiếng của đồng bào. Nhiều người đã hiểu ra, tỉnh ngộ và từ bỏ tà đạo. Người dân nhờ đó mà hiểu rõ nên không tin, không theo tà đạo.
Tại Đắk Lắk, Bộ đội Biên phòng tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó với chính quyền địa phương, nhân dân các dân tộc, cùng nhau bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự bình yên, ổn định khu vực biên giới. Đồng thời, luôn kịp thời tham mưu về chủ trương, đối sách, xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra trên biên giới. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk quan tâm chăm lo đời sống nhân dân vùng biên giới bằng những việc làm thiết thực, xây dựng các mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo.
Theo Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, năm 2024, Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của Ngày Biên phòng toàn dân để phát huy hơn nữa vai trò của các cấp, các ngành, của toàn thể nhân dân đối với sự nghiệp quản lý bảo vệ biên giới quốc gia. Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, để mỗi người dân trở thành một cột mốc sống.
“Những già làng, người có uy tín và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đã và đang trở thành những cột mốc. Già làng là người truyền lửa cho các thế hệ trẻ ở miền biên thùy, góp phần xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh, cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, Đại tá Đỗ Quang Thấm nhấn mạnh.
Bài cuối: Giữ vững ổn định khu vực 'phên dậu'