Theo đó, đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có 19 đơn vị cấp huyện, 410 xã, 876 thôn/bản miền núi, 101 thôn/bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 4 huyện và 165 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 41 xã và 340 thôn/bản trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để thực hiện được mục tiêu này, Thanh Hóa đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng tập trung giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.
Thanh Hóa huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân để tập trung xây dựng nông thôn mới, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã, thôn, bản, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí thôn, bản, xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những địa phương đã được cấp có thẩm quyền công nhận.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian tới, Thanh Hóa chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với thực tế theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phân tích, làm rõ thêm những điều còn bất cập, chưa phù hợp và cần sớm điều chỉnh.
Về phía tỉnh phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, địa phương. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa phải tạo ra không gian rộng mở, hình thành mạng liên kết giữa các cộng đồng thôn, bản. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm của cả cộng đồng và không được để thôn, bản trở thành những ốc đảo biệt lập với không gian phát triển chung của địa phương.
Trong 2 năm 2021 - 2022, toàn tỉnh đã huy động được trên 13.900 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng các sản phẩm OCOP. Nhiều công trình hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo; những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả được triển khai, nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai bài bản, bước đầu có nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu.
Tính đến 13/3, toàn tỉnh Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 352 xã, 700 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12 xã, 317 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (được xếp hạng từ 3 - 4 sao), 1 sản phẩm 5 sao. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, quy hoạch chung xây dựng xã còn chậm với 25,65% số xã chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoàn thiện cơ sở hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất theo quy hoạch.
Ngoài ra, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp cũng chỉ dừng lại việc xây dựng mô hình, chưa đồng bộ, rộng khắp ở các địa phương. Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở xử lý chất thải rắn ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ và đầy đủ các khâu xử lý đối với các loại chất thải rắn đã phân loại.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn.