Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, để triển khai đề án Đồng Nai giao các đơn vị trong tỉnh thực hiện 6 nội dung gồm: di dời doanh nghiệp; xây dựng nghị quyết cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng; xây dựng cơ chế, chính sách giải pháp liên quan chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực; lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án xây dựng Khu Trung tâm chính trị của tỉnh; đầu tư xây dựng các tuyến đường trong nội bộ khu 1 - Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1; lập Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cần dự án để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đến nay, cả 6 phần việc đều chậm tiến độ, chưa hoàn thành; các ngành chức năng vẫn đang trong quá trình họp bàn, lấy ý kiến. Ngoài ra, sau khi nghiên cứu, đối chiếu quy định pháp luật, cơ quan chức năng nhận thấy một số đề án không thể triển khai.
Về di dời doanh nghiệp, theo kế hoạch giai đoạn 1 trước 30/12/2024 có 14 doanh nghiệp dời đi, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa di dời. Trong tháng 9 vừa qua chỉ có 1 doanh nghiệp phản hồi, đề nghị ngành chức năng giới thiệu địa điểm xây dựng nhà máy mới. Hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch di dời.
Về xây dựng nghị quyết cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Sau đó, hoàn thiện chính sách, lập khái toán trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét.
Vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai đã khảo sát nhu cầu hỗ trợ của người lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Kết quả cho thấy, hầu hết lao động không có nhu cầu tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp khi doanh nghiệp dời đến nơi mới. Họ có nguyện vọng được nghỉ hưu, nhận bảo hiểm thất nghiệp, vay vốn tạo việc làm, học nghề. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai đề xuất tỉnh không ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương khi di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Với Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cần dự án để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ngành chức năng Đồng Nai khẳng định, đề án không phù hợp các quy định pháp luật hiện nay và sau này (khi Luật Đất đai 2023 có hiệu lực).
Kết luận cuộc họp, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường, tháng 8/2024, lãnh đạo tỉnh đã giao công việc cụ thể cho các đơn vị liên quan, nhưng đến nay đề án vẫn chậm, đồng thời phê bình một số đơn vị liên quan.
Ông Võ Tấn Đức gia hạn lần cuối, yêu cầu ngay trong tháng Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng xong cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng trình UBND tỉnh. Đây là phần việc rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để thu hồi đất triển khai đề án.
Trong quý IV/2024, Sở Xây dựng phải hoàn thành ý tưởng quy hoạch chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Các đơn vị còn lại khẩn trương hoàn thiện các phần việc liên quan đến di dời doanh nghiệp, xây dựng Khu Trung tâm chính trị của tỉnh, xây dựng hệ thống giao thông. Trong số đó, Khu Trung tâm chính trị của tỉnh sẽ được tách ra thành dự án sử dụng vốn ngân sách đầu tư.
Sau cuộc họp này, ông Võ Tấn Đức giao Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai theo dõi tiến độ triển khai nhiệm vụ của các đơn vị, nếu đơn vị nào tiếp tục chậm trễ tỉnh sẽ kỷ luật.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 diện tích hơn 330 ha, hiện có hơn 70 doanh nghiệp đang thuê đất. Tháng 2/2024, Đồng Nai phê duyệt Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Theo Đề án, giai đoạn 1 tỉnh di dời 14 doanh nghiệp, hoàn thành vào cuối tháng 12/2024; giai đoạn 2 đến cuối tháng 12/2025 di dời tất cả doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp dời đi, tỉnh xây dựng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành 2 khu vực gồm: Khu vực Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Đồng Nai với diện tích khoảng 44 ha và khu đô thị - dịch vụ Biên Hòa 1 với diện tích hơn 280 ha.