Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải cử hai lãnh đạo cùng cán bộ của hai sở trực tiếp xuống huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với địa phương thực hiện các nội dung điều chỉnh dự án, thiết kế liên quan đến tuyến đường số 2 dẫn vào khu công nghiệp. Cùng với đó, tiến hành rà soát lại các thủ tục pháp lý liên quan đến thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất đến cuối tháng 8 phải hoàn tất.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành cùng lúc các công việc, tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng cho dự án, đặc biệt đối với 4 hộ dân ảnh hưởng tuyến Đường số 2 cần phải làm nhanh để mở đường phục vụ thi công hạ tầng của khu công nghiệp.
Đối với đơn vị thi công, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị đưa vật tư, thiết bị, máy móc vào nhanh chóng thi công đường. Riêng với hạng mục cầu trên tuyến đường này cần thực hiện song song với việc định vị và điều chỉnh, khi hoàn thành lập tức triển khai thi công. Quyết tâm trước Tết Nguyên đán 2025 phải xong Đường số 2. Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh, ngân sách phục vụ dự án không thiếu, chỉ thiếu quyết tâm và trách nhiệm mới dẫn đến chuyện chậm trễ.
Liên quan đến tái định cư, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị các sở, ngành, huyện Vĩnh Thạnh thường xuyên kiểm tra tiến độ thi công khu tái định cư của dự án, tập trung đẩy nhanh hơn nữa để sớm có nền bàn giao cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Huyện Vĩnh Thạnh cần phối hợp với Sở Xây dựng ưu tiên triển khai xây dựng nhanh khu tái định cư để bố trí cho người dân. Cố gắng đến cuối năm 2024 có được 300 nền để bàn giao cho các hộ dân đã được phê duyệt chính sách tái định cư.
Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nếu không có tái định cư thì rất khó khăn trong quá trình triển khai dự án trong khi chính những khu tái định cư sẽ là cơ sở để hình thành nên các khu đô thị mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của thành phố, do đó huyện Vĩnh Thạnh, các sở ngành cần hết sức tập trung cho vấn đề này. Tuyệt đối không để việc bồi thường, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến việc tái định cư, rồi khu tái định cư ảnh hưởng đến dự án, ảnh hưởng đến người dân.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Đoàn Quốc Sử cho biết, Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ có hai tuyến đường là đường nối từ Quốc lộ 80 vào khu công nghiệp (Đường số 1) và đường nối từ cầu Vàm Cống vào (Đường số 2). Trong khi đường số 1 hiện tiến độ đã đạt 57% thì Đường số 2 mới chỉ đạt 6% do vướng mắc về mặt bằng.
Huyện Vĩnh Thạnh đang phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương làm việc, vận động, thuyết phục các trường hợp kiến nghị về giá bồi thường, hỗ trợ và chính sách tái định cư để nhận tiền và bàn giao thi công dự án. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất trong tháng 8/2024; đồng thời, xây dựng và phối hợp triển khai phương án tái định cư cho các trường hợp ảnh hưởng dự án đủ điều kiện; trình Hội đồng bồi thường thông qua và quyết định kinh phí hỗ trợ thuê nhà ở tạm cư trong khi chờ Nhà nước bố trí tái định cư cho người dân.
Đại diện Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ, ông Bùi Chí Vũ, Phó trưởng Phòng Quy hoạch cho biết, hiện nay đã có 19 khách hàng đến từ những quốc gia như Mỹ, Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc... ký bản ghi nhớ đầu tư vào khu công nghiệp với diện tích khoảng 100 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Dự kiến quý I/2025, VSIP sẽ ký hợp đồng thuê đất với khách hàng và thực hiện thủ tục đầu tư, bàn giao đất cho khách hàng để xây dựng nhà máy trong Quý III/2025.
Theo đại diện VSIP, hiện tại nhà đầu tư đang triển khai gói xử lý đất yếu, được khoảng 30%, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành công đoạn này. Đầu năm 2025 sẽ xây dựng hạ tầng, đặt mục tiêu tháng 6/2025 sẽ hoàn thiện hạ tầng giao thông để bàn giao cho khách hàng. Song song đó, triển khai những hạ tầng khác như nhà máy xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, trạm bơm tăng áp nước sạch... Đây cũng là một trong các tiêu chí bàn giao cho khách hàng.
Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ cũng đề nghị thành phố Cần Thơ hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư tham gia đấu thầu khai thác mỏ cát để giảm bớt áp lực về nguồn vật liệu san lấp đang gặp khó khăn về nguồn cung cũng như giá cả.
Trước đó, lãnh đạo VSIP Cần Thơ cho biết, hơn một năm nay, nguồn cát san lấp ở Đồng bằng sông Cửu Long biến động rất nhiều về nguồn cung cũng như giá cả. Từ khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì giá cát san lấp đã tăng gấp đôi. Theo tính toán của nhà đầu tư, với giá cát hiện nay, để san lấp hoàn thành toàn bộ diện tích hơn 293 ha giai đoạn 1 của dự án thì nhà đầu tư phải bỏ ra thêm khoảng 800 tỷ đồng.
Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được UBND thành phố Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án vào ngày 25/10/2022, chính thức khởi động vào tháng 9/2023. Dự án được thực hiện bởi 3 nhà đầu tư: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Công ty cổ phần, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, với diện tích giai đoạn 1 là 293,7 ha với tổng vốn đầu tư 3.717 tỷ đồng (tương đương gần 160 triệu USD).
Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ có vị trí chiến lược tại giao điểm các tuyến cao tốc quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long. Với tổng diện tích 900 ha, dự án dự kiến sẽ tạo việc làm cho 100.000 lao động và thu hút 3,5 tỷ USD đầu tư khi hoàn thành.
Khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho 20.000 đến 30.000 người. VSIP Cần Thơ hướng tới mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững, đồng thời đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm hàng đầu khu vực phía Nam. Dự án cũng nhắm tới việc thiết lập mạng lưới logistics hiệu quả và cơ sở hạ tầng hỗ trợ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu về chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư.