Bài 1: Phát triển hạ tầng, tăng cường ứng dụng
Thực hiện chương trình chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan quản lý, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hình thành, phát triển môi trường số an toàn, tiện tích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân là đích đến của chương trình chuyển đổi số. Vì vậy, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, từ đó tăng cường ứng dụng, thực hiện dịch vụ số trong từng lĩnh vực đang được tỉnh Cà Mau tập trung triển khai và bước đầu cho thấy hiệu quả.
Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều nội dung cụ thể. Trong đó, một trong những nội dung được coi là tiền đề thực hiện các chỉ tiêu trong chuyển đổi số chính là phát triển hạ tầng, nền tảng số phục vụ cho chuyển đổi số.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đến thời điểm này, hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tỉnh Cà Mau đã được từng bước được hoàn thiện, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển Chính quyền số. 100% cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước được trang bị máy tính phục vụ cho công việc. Tất cả cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh, huyện và xã có hệ thống mạng LAN (mạng cục bộ) kết nối Internet tốc độ cao. 100% máy tính kết nối vào hệ thống mạng LAN được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc quản lý tập trung. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được duy trì, kết nối đến cấp huyện phục vụ triển khai, khai thác các hệ thống thông tin dùng chung của Đảng, Nhà nước. 101/101 xã, phường, thị trấn đã có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Đen, tỉnh hiện có Trung tâm Dữ liệu chính và Trung tâm Dữ liệu dự phòng, có máy chủ vật lý và máy chủ ảo phục vụ triển khai hầu hết các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Hệ thống thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp, sẵn sàng thay thế khôi phục hoạt động bình thường các hệ thống thông tin của tỉnh nếu Trung tâm Dữ liệu chính của tỉnh gặp sự cố về an toàn thông tin mạng.
Liên quan đến hạ tầng IoT (Internet vạn vật), tỉnh đang triển khai bước đầu dựa trên nền tảng 4G cho phép các thiết bị cảm biến đặt ở các địa điểm khác nhau, có thể đo mực nước, độ mặn… truyền theo thời gian thực về Trung tâm Dữ liệu của tỉnh để lưu trữ và xử lý. Thông qua các giao diện lập trình ứng dụng, hệ thống có thể kết nối với các hệ thống khác của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chia sẻ, cung cấp dữ liệu.
Nhờ hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đến thời điểm này, đối với phát triển Chính quyền số, Cà Mau đã công bố thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công tỉnh đạt trên 34%; đồng thời đã triển khai app ứng dụng "Dịch vụ công tỉnh Cà Mau" trên nền tảng iOS, Android hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động. Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng bình quân đạt 98%; trong đó riêng ở cấp tỉnh đã đạt 100%. Tỉnh đã triển khai trục LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh) kết nối được với các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam...
Phát triển ứng dụng mang lại nhiều tiện tích
Nhờ hệ thống hạ tầng được hoàn thiện, việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân, đang được thực hiện hiệu quả tại Cà Mau. Nổi bật là Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã được triển khai liên thông đến cấp xã. Hệ thống này đã hỗ trợ các đơn vị, cơ quan nhà nước tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ở các hình thức trực tiếp, trực tuyến và qua bưu chính công ích. Hiện Cổng dịch vụ công tỉnh Cà Mau đã được phát triển để cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng thiết bị di động.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, người dân ở Phường 5, thành phố Cà Mau cho hay, thông qua Cổng dịch vụ công, ông có thể nhanh chóng tìm hiểu thông tin liên quan đến các loại giấy tờ cần thiết để làm thủ tục gia hạn thời hạn sử dụng đất trồng lúa một cách rất tiện lợi. Trước khi đến làm thủ tục tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau, từ Cổng dịch vụ công, ông đã tải được các biểu mẫu, điền tờ khai thông tin và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ nên khi đến giao dịch tại trung tâm tiết kiệm được rất nhiều thời gian, không phải đi lại nhiều lần.
Từng bước thực hiện chuyển đổi số, hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, tỉnh Cà Mau đang tập trung ưu tiên chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công thương, du lịch...
Là một địa phương có nhiều ưu thế về sản xuất nông nghiệp, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, điều hành cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản đang được Cà Mau quan tâm triển khai. Trong đó, ứng dụng “Nông nghiệp Cà Mau” được phát triển trên hai nền tảng Android và iOS, hoạt động được trên hầu hết các điện thoại thông minh, máy tính bảng… phục vụ cho người dân và cán bộ quản lý thao tác nghiệp vụ, tra cứu nhanh các thông tin liên quan đến từng lĩnh vực của ngành. Đồng thời, ứng dụng này còn có phiên bản web sử dụng trên máy tính phục vụ cho cán bộ lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc ngành để phục vụ công tác cập nhật thông tin, điều hành, quản lý.
Anh Phạm Duy Khanh, một nông dân làm nghề gác kèo ong kết hợp phát triển du lịch cộng đồng ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: Là một nông dân, anh quan tâm đến ứng dụng “Nông nghiệp Cà Mau” với đầy đủ các thông tin liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giá cả thị trường nông sản, thời tiết nông vụ và cả các mô hình sản xuất hiệu quả ở nhiều nơi để anh có thể học hỏi. Không những thế, với mục “Tư vấn trực tuyến” trên ứng dụng anh còn có thể nêu câu hỏi và nhận được giải đáp, tư vấn phù hợp từ các cán bộ của Trung tâm khuyến nông Cà Mau.
Bài cuối: Tạo bước phát triển mới