Cũng như nhiều địa phương khác, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và thành phố Hà Nội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi của huyện Ba Vì (Hà Nội) đã "thay da đổi thịt".
Xã Ba Vì (huyện Ba Vì) có đến 94% dân số là đồng bào Dao sinh sống. Do nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô, nên xã đã được các cấp quan tâm đầu tư ở nhiều lĩnh vực.
Trong đó, xã được thành phố triển khai "Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, du lịch; củng cố, phát triển ngành nghề truyền thống, làng nghề, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị".
Cùng với đó, thành phố đã đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất cho đồng bào các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Dao ở Ba Vì.
Nhờ những đầu tư trên, đồng bào Dao tại đây đã có điều kiện để mở mang trồng, bào chế, sản xuất thuốc nam truyền thống. Theo Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà, hiện cả xã có 309 hộ gia đình theo nghề làm thuốc, với 9 hợp tác xã thuốc nam. Nhờ có thu nhập tốt từ cây thuốc, nhiều hộ đồng bào Dao đã xây dựng nhà cao tầng, mua sắm ô tô, cùng các vật dụng hiện đại phục vụ cuộc sống, đầu tư cho con em học hành. Bên sườn núi Ba Vì, thi thoảng lại có từng tốp đồng bào dạy nhau sử dụng nhạc cụ truyền thống, như: Cồng chiêng, kèn, chũm chọe (chập cheng), giúp đời sống tinh thần đồng bào thêm tươi vui.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, không chỉ có xã Ba Vì, sau 15 năm sáp nhập về với Thủ đô, 7 xã miền núi trước đây thuộc diện khó khăn của huyện, nay cũng đã trở thành xã nông thôn mới, nhờ được thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư, dành nhiều nguồn lực để kinh tế, xã hội phát triển.
Trước đây khi chưa sáp nhập, huyện Ba Vì rất khó khăn, hạ tầng xã hội xuống cấp, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số lạc hậu, nghèo khó, ảnh hưởng không nhỏ đến các phong trào của địa phương. Khi về với Thủ đô, Ba Vì đã được quan tâm đầu tư toàn diện: chi đầu tư cho phát triển tăng từ hơn 145 tỷ đồng năm 2008 lên khoảng hơn 300 tỷ đồng năm 2022.
Đặc biệt, nhờ nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố, kết cấu hạ tầng đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,05% (năm 2008) còn 0,58% (năm 2022). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người vào năm 2022, đời sống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự "thay da đổi thịt".
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì tự hào cho biết: Bộ mặt địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đã thay khởi sắc hơn nhiều so với năm 2008. Đồng bào đã biết phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh với các điểm du lịch nổi bật, như: cụm đền Trung - Thượng - Hạ; các khu du lịch Khoang Sanh, Ao vua, Thiên Sơn Suối Ngà... Cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số đã hoàn toàn khác so với cách đây 15 năm.