Đáng chú ý là toàn bộ khu vực sạt lở nằm phía trên một trường mầm non của xã Đạ Sar. Tuy đã xảy ra tới gần 2 tháng, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa triển khai phương án giải quyết tình trạng trên.
Ngày 7/9, tại điểm sạt trượt mái taluy trên Quốc lộ 27C, đoạn chạy qua thôn 6, xã Đạ Sar, theo quan sát của phóng viên TTXVN, phần mặt của quốc lộ đi qua đoạn này đã bị sạt hơn 1 nửa xuống taluy âm sâu từ 2- 3m. Đoạn bị sạt trượt kéo dài khoảng 60m, từ km 107+430 tới km 107 + 490. Hiện tại, các phương tiện giao thông đi qua vị trí này chỉ có thể đi trên 1 làn đường, 2 làn xe ngược chiều phải lần lượt chờ nhau để đi qua vị trí này, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Hơn nữa, phần đường các phương tiện đang lưu thông cũng đã bị lún nứt, có nguy cơ xảy ra sạt trượt bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn, phía dưới taluy âm là 1 cụm Trường mầm non Đạ Sar với nhiều khối nhà, có hàng trăm học sinh đang theo học.
Hiện trường vụ sạt trượt đã được đơn vị quản lý đường bộ cắm biển báo hiệu nguy hiểm và chăng dây bao quanh, tuy nhiên vẫn chưa có đèn tín hiệu cảnh báo, nguy cơ xảy ra đối với các phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm là rất lớn. Ngoài ra, cách vị trí sạt lở trên gần 1 km về phía đèo Khánh Lê cũng xuất hiện 1 vị trí sạt lở với 1/3 mặt đường đã tụt xuống khoảng 40- 50 cm, được đơn vị quản lý căng dây cảnh báo.
Ông Trần Văn Phong, chuyên viên Quản lý giao thông vận tải và an toàn giao thông (Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Lạc Dương) cho biết: Các khu vực này đã bị sạt trượt sau các trận mưa đầu mùa, từ giữa tháng 7/2020. Vị trí tại thôn 6, xã Đạ Sar trước đây đã từng được sửa chữa 2 lần; trong đó năm 2017 đã được khắc phục bằng rọ đá, nhưng đến nay lại tiếp tục xảy ra sạt trượt, gây mất an toàn giao thông.
Ông Phong nêu kiến nghị các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cần có các giải pháp xử lý theo tình huống khẩn cấp đối với các khu vực sạt lở nguy hiểm như trên. Ngoài ra, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp cần có báo cáo hàng ngày, bởi hiện trạng sạt lở thay đổi từng ngày, tùy theo điều kiện thời tiết trên địa bàn, nhất là đang vào mùa mưa…
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết: Ngày 23/7/2020, Sở đã có văn bản báo cáo Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) về vụ việc trên. Sở cũng đã có giải pháp thực hiện bước 1 đảm bảo an toàn giao thông đường bộ quy định trong trường hợp cấp bách, không để tình trạng ách tắc hoàn toàn xảy ra; bước 2 là kiên cố hóa lâu dài, bao gồm: khảo sát, thiết kế và lập dự án, tổ chức đấu thầu… các biện pháp này do Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện.
Theo văn bản mới nhất, số 5285/TCĐBVN-ATGT ngày 30/7/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đánh giá: “Toàn bộ 1/2 mặt đường bị sụt lún sâu 2- 3m, phía dưới chân mái taluy là Trường Mầm non xã Đạ Sar đang hoạt động; đến nay, qua các đợt mưa và có hiện tượng nước ngầm chảy ra từ chân mái taluy, tình trạng sạt lở còn diễn biến phức tạp; việc xử lý, sửa chữa là hết sức cần thiết...”
Theo văn bản trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến kinh phí để đầu tư sửa chữa vị trí này là 14,8 tỷ đồng. Phương án thi công gồm: xây dựng tường chắn taluy âm; móng tường chắn đặt trên hệ cọc nhồi bằng bê tông cốt thép; bố trí kè rọ đá giữa 2 hàng cọc nhồi… Tổng cục đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép sửa chữa đột xuất, xử lý vị trí trên bổ sung vào kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2020, giao Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng thực hiện.