Theo đại diện WWF, Chương trình thành phố Xanh được khởi xướng nhằm kêu gọi hành động và hỗ trợ các thành phố trong quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng đến một tương lai thân thiện với môi trường, đồng thời thúc đẩy các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Anh Tuấn, cố vấn kỹ thuật Chương trình thành phố Xanh của WWF, chia sẻ, Chương trình thành phố Xanh được WWF tổ chức thí điểm ở Thụy Điển vào năm 2011 và bắt đầu lan tỏa khắp thế giới từ năm 2013. Từ năm 2017, chương trình được tổ chức định kỳ 2 năm/lần với quy mô ngày càng mở rộng và hiện đã có sự tham gia của hơn 320 thành phố ở 20 quốc gia. Thông qua chương trình, các thành phố chia sẻ những giải pháp hiệu quả, thông minh cho sự phát triển đô thị carbon thấp và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng đến một tương lai sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Nói về lý do Chương trình chọn đối tượng là các thành phố trên thế giới, ông Trần Anh Tuấn cho biết, hơn một nửa dân số của thế giới sống ở các thành phố và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở những nơi này. Các thành phố tạo ra hơn 80% GDP nhưng cũng phát thải 70% lượng khí nhà kính toàn cầu. Với vai trò là trung tâm quyền lực chính trị và kinh doanh, các thành phố đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Đại diện WWF cho biết, từ năm 2015, tổ chức này đã hỗ trợ một số thành phố ở miền Trung Việt Nam tham gia Chương trình thành phố Xanh gồm: Huế, Đà Nẵng, Hội An, Đông Hà, Đồng Hới và Vinh. Trong giai đoạn 2020-2021, Chương trình dự kiến sẽ có sự tham gia của hai thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ và Sóc Trăng.
Tại Việt Nam, thành phố Đà Nẵng đã được WWF công bố là thành phố Xanh quốc gia năm 2018, đồng thời lọt vào top 21 thành phố trên thế giới cho danh hiệu Quán quân toàn cầu.
WWF sẽ hỗ trợ một chiến dịch tương tác và truyền thông, cho phép người dân bỏ phiếu cho thành phố mình yêu thích, chia sẻ những gì họ yêu thích về thành phố và đề xuất các cải thiện cho thành phố thông qua trang web We Love City tại địa chỉ https://welovecities.org.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Tấn Hiển cho biết, Chương trình thành phố Xanh của WWF có nhiều điểm tương đồng với những chương trình mà Cần Thơ đang tham gia như Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu của Quỹ Rockefeller và phù hợp với quan điểm, mục tiêu của thành phố là làm sao để phát triển tốt hơn, trong đó có vấn đề giảm ô nhiễm môi trường, tạo nên một đô thị xanh, sạch, đẹp.
Theo ông Dương Tấn Hiển, là thành phố loại I trực thuộc Trung ương, Cần Thơ phải đối mặt với các vấn đề mà những đô thị gặp phải trong quá trình phát triển. Lãnh đạo thành phố đã có nhiều giải pháp trong đó có việc tham gia vào các chương trình, mạng lưới để giúp giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực trong từng lĩnh vực, như giảm phát thải khí nhà kính.
Khi tham gia Chương trình thành phố Xanh, Cần Thơ sẽ cố gắng thực hiện đầy đủ các chương trình và có các phương pháp, cách làm thực sự mang lại hiệu quả, với mong muốn sẽ trở thành một thành phố xanh, văn minh hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước.