Tỉnh Cao Bằng có 8 dự án định canh, định cư. Một số dự án đang hoàn thiện, để đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, để đồng bào yên tâm sinh sống và sản xuất ở vùng định canh định cư, chính quyền các cấp cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn.
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng chia sẻ, để làm tốt việc định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con có nhận thức đúng đắn về định canh định cư; về thu hồi đất, tạo mặt bằng cho các hộ ở nơi xa đến.
Ngoài việc đầu tư về hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, chính quyền các cấp cần quan tâm, có hướng dẫn cụ thể về đường nội vùng dự án; bám sát thực tế, kịp thời đề xuất với các cơ quan có chức năng về chính sách về vốn, quy trình thực hiện, việc giao đất, giao rừng.
Cùng với đó, việc sắp xếp dân cư để hình thành các điểm dân cư tập trung phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa của các dân tộc, gắn với tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện cho nhân dân có chỗ ở mới an toàn để yên tâm sản xuất.
Chị Hoàng Mùi Chuồng (xã Quang Trọng, huyện Thạch An) cho biết, gia đình chị có 6 người, sinh sống ở xóm Khuổi Ống, cách khu định cư mới khoảng 2 km. Trước đây, ở Khuổi Ống, nhà chị không có điện, đường đến nhà cũng rất khó khăn. Vì vậy, khi Nhà nước đầu tư khu tái định cư Nặm Dạng, gia đình chị đã chuyển đến sinh sống. Ở khu tái định cư, gia đình chị Hoàng Mùi Chuồng đã xây dựng được căn nhà kiên cố, điều kiện sinh hoạt về điện, nước và đường xá tốt hơn so với nơi ở trước đây.
Dự án ổn định dân cư xóm Nặm Dạng - Pò Làng, xã Quang Trọng được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục đường giao thông, cấp điện, nước sinh hoạt cho 44 hộ dân đồng bào Dao ở vùng khó khăn của xã.
Để triển khai dự án, chính quyền xã Quang Trọng đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, mục đích, ý nghĩa của dự án; trách nhiệm, quyền lợi của người dân tham gia dự án. Vì vậy, người dân rất ủng hộ và tự nguyện hiến cây trồng, đất rừng sản xuất để thực hiện dự án. Hiện nay, khu tái định cư đã ổn định được 13 hộ gia đình, các hộ khác đang hoàn thiện các công trình để chuyển đến ở...
Hiện nay tỉnh Cao Bằng có 8 dự án định canh định cư, ổn định dân cư vùng biên giới, di dân ra khỏi vùng thiên tai. Việc xây dựng các dự án định canh, định cư được chính quyền các cấp chủ động trong điều tiết quy hoạch, không gian sống nên các dự án đã góp phần giúp đồng bào có đất xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ giúp mở rộng không gian và chất lượng sống của người dân vùng cao…
Tuy nhiên, các dự án tái định canh định cư cũng gặp một số khó khăn như, các vùng thực hiện dự án có địa hình là chủ yếu đồi núi dốc và bị chia cắt nên khó khăn trong việc lựa chọn các vị trí để thực hiện san gạt mặt bằng. Do ảnh hưởng của địa hình, các dự án đều tăng tăng tổng mức đầu tư so với dự kiến ban đầu.
Ngoài ra, quỹ đất công trong khu vực xây dựng các dự án định canh định cư tập trung ít, tại một số vị trí được lựa chọn đầu tư xây dựng các hạng mục công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án...