Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là dự án rất quan trọng, do đó bộ yêu cầu các đơn vị liên quan phải hoàn thành tốt nhất kỹ thuật chặn dòng để đến tháng 5 tới khi vào mùa mưa ở Tây Nguyên sẽ tích được nước cho hồ; qua đó kịp thời tham gia chống hạn ngay từ năm 2021.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý các đơn vị có liên quan phải rà soát tổng quan để sau khi chặn dòng, tất cả những phần việc còn lại của công trình, kể cả phía hạ lưu và công trình đầu mối phải hoàn tất với chất lượng tốt nhất trong thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh đó, công trình này phải đẹp về mỹ quan, đưa công trình trở thành điểm du lịch. Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc bộ tập trung chỉ đạo, tiếp tục phối hợp với tỉnh nghiên cứu thật kỹ cả một chuỗi các vấn đề còn lại, đưa công trình trở thành mẫu hình về liên hồ chứa kết nối với 9 hồ chứa ở hạ lưu. Các đơn vị có liên quan phải có giải pháp thực hiện liên hồ chứa, sử dụng nguồn tài nguyên sao cho hiệu quả nhất để tạo thành một chỉnh thể hài hòa trong một nền kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, sau công trình này, các đơn vị tư vấn mạnh nhất phải tập trung nghiên cứu, quản trị, thực hiện liên hồ chứa, thực hiện Luật Thủy lợi ứng dụng cho phát triển kinh tế, trước hết là kinh tế du lịch, kinh tế đô thị, kinh tế công nghiệp rồi mới đến kinh tế nông nghiệp sử dụng nguồn tài nguyên nước gắn với ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước hiệu quả nhất.
Bộ trưởng cũng mong muốn tỉnh Ninh Thuận cần có những sáng tạo để sử dụng công trình này trở thành mẫu hình của ngành, phục vụ một cách đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng, khu vực nói chung. Đồng thời đúng nghĩa trở thành một mô hình quản trị thủy lợi trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu nhưng cực kỳ hiệu quả, đa chiều của ngành nông nghiệp.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, đây là dự án được đầu tư có quy mô lớn nhất; đồng thời cũng là dự án có quy mô phức tạp, là dự án thủy lợi đầu tiên cả nước được đầu tư xây dựng theo mô hình hiện đại, điều tiết nước tưới bằng đường ống áp lực thông qua hệ thống đường ống kín, giúp cho tỉnh hiện thực hóa chủ trương xây dựng hệ thống liên hồ và tưới chủ động tiết kiệm nước.
Cùng với việc thi công các hạng mục công trình trên, với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Cái cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành đồng bộ công trình, phát huy hiệu quả dự án theo mục tiêu đề ra. Qua đó, cụm công trình đã thi công đảm bảo yêu cầu vượt lũ chính vụ năm 2020, cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ để nút cống dẫn dòng, tích nước theo kế hoạch.
Ông Trần Quốc Nam chia sẻ, dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được ví như trái tim của tỉnh Ninh Thuận trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời điểm hiện nay và nhiều năm tới. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất, quản lý vận hành để tối ưu hóa hiệu quả dự án ở mức cao nhất.
Theo ông Dương Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 47 (đơn vị đứng đầu liên danh các nhà thầu thi công), cụm công trình đầu mối Sông Cái là công trình cấp 1 gồm đập chính và 4 đập phụ tạo hồ chứa điều tiết nước. Đến nay, công trình đã hoàn thành hơn 95% khối lượng. Trong quá trình thực hiện, công trình đã được các Hội đồng nghiệm thu của chủ đầu tư và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá cao tiến độ, chất lượng, thẩm mỹ, đủ điều kiện tiến hành nút cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa.
Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với kinh phí hơn 5.900 tỷ đồng. Dự án gồm 2 hợp phần chính: công trình đầu mối hồ Sông Cái nằm trên địa bàn xã Phước Hòa, dung tích thiết kế 219,8 triệu m3 nước, tức bằng tổng dung tích 21 hồ chứa hiện hữu của tỉnh cộng lại và đập dâng, hệ thống kênh dẫn nước Tân Mỹ. Công trình đầu mối hồ Sông Cái có nhiệm vụ cấp nước tưới trực tiếp cho trên 7.000 ha đất canh tác khu tưới hạ lưu, tiếp nước cho hệ thống hệ thống thủy lợi và bổ sung nước cho các ngành kinh tế khác của cả tỉnh.
Ninh Thuận là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là hạn hán đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiều năm qua.
Trước khi chưa có dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thì khu vực phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và toàn tỉnh nói chung chỉ dựa vào nguồn nước chính của Thủy điện Đa Nhim (dung tích 165 triệu m3) và 21 hồ chứa nhỏ của tỉnh với dung tích hơn 194 triệu m3. Vì lẽ đó, hầu hết nhiều vùng, nhiều khu vực trong tỉnh thường xuyên thiếu nước và khô hạn, chỉ đáp ứng chủ động nước khoảng 40% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh.