Dự án có tổng giá trị đầu tư 291 tỷ đồng này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận lần đầu vào năm 2021, tuy nhiên do tiến độ thực hiện chậm, nên được điều chỉnh theo hướng kéo dài thời gian hoàn thành giai đoạn 1 từ cuối quý II/2022 lên cuối quý I/2024.
Cụ thể theo Quyết định số 1937/QĐUBND ngày 10/10/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm với các nội dung chủ yếu như: từ quý I/2021 đến hết quý II/2022 thực hiện các bước chuẩn bị thủ tục đầu tư; từ quý IV/2022 đến hết quý I/2023 thực hiện giải phóng mặt bằng, thi công phần nền móng khu hạ tầng, nhà xưởng; từ quý II/2023 đến quý IV/2023 thực hiện lắp đặt máy móc thiết bị giai đoạn 1 của dự án bao gồm dây chuyền tiếp nhận, phân loại dây chuyền lò đốt chất thải rắn; cuối quý I/2024 hoàn thành giai đoạn 1, chạy thử và đưa dự án vào hoạt động kinh doanh ổn định.
Cuối quý III/2028 hoàn thành đầu tư xây dựng toàn bộ dự án và đưa dự án vào hoạt động kinh doanh với công xuất 350 tấn/ngày đêm.
Như vậy so với Quyết định số 599/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng, các mốc tiến độ dự án sẽ kéo dài thêm như thời gian lắp đặt máy móc thiết bị điều chỉnh từ quý II/2022 lên quý IV/2023; thời gian đưa vào chạy thử và đưa nhà máy vào hoạt động ổn định từ cuối quý II/2022 lên cuối quý I/2024; thời gian hoàn thành toàn bộ dự án thay đổi từ cuối quý II/2028 lên cuối quý III/2028…
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh khẩn trương tập trung nguồn nhân lực, tài lực để thực hiện đầu tư các hạng mục còn lại, lắp đặt trang thiết bị đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ đã được điều chỉnh.
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm do Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh có trụ sở tại phường 15, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh đầu tư tại xã Liên Đầm, huyện Di Linh. Dự án sử dụng diện tích đất gần 214.000 m2, có tổng đầu tư 291 tỷ đồng. Mục tiêu dự án xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, nông nghiệp thông thường; chất thải duy tu nạo vét hệ thống thoát nước và chất thải rắn xây dựng theo mô hình khép kín, thân thiện với môi trường, tổng tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt dưới 10%.
Dự án này có quy mô công xuất cả 2 giai đoạn 350 tấn/ngày đêm; trong đó công xuất giai đoạn 1 là 150 tấn/ngày đêm. Công nghệ xử lý sử dụng công nghệ đốt sinh khối, tái chế thu nhiệt phát điện sử dụng nội bộ, kết hợp công nghệ sản xuất phân vi sinh và một số công nghệ tái chế nhằm giảm thiểu tối đa khối lượng chôn lấp.
Tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ có 3 nhà máy xử lý chất thải rắn ở thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và ở huyện Đơn Dương. Huyện Di Linh hiện vẫn là 1 trong 9 huyện còn lại chưa có nhà máy xử lý chất thải rắn. Hiện tại toàn bộ rác thải của huyện Di Linh đang phải xử lý theo hình thức chôn lấp tại bãi rác bãi rác Gung Ré, cách thị trấn Di Linh khoảng 15 km. Trước năm 2014, rác thải của huyện được chôn lấp tại bãi rác khác cũng thuộc xã Gung Ré, cạnh Quốc lộ 28. Nhưng lượng rác thải sinh hoạt đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường và bãi rác này đã phải đóng cửa…