Thay đổi nhận thức
Công ty TNHH cacao Nam Trường Sơn tại xã Ea Na, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ bột cacao. Sau hơn 15 năm hoạt động, đến nay, công ty liên kết hơn 400 hộ dân với 450 ha, đạt sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm.
Năm 2020, công ty được cấp chứng nhận OCOP 4 sao cho sản phẩm ca cao. Nói về hiệu quả sau khi tham gia chương trình, bà Võ Thị Ngọc Ánh, Phó Giám đốc phụ trách hành chính Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cho biết, từ khi đạt chứng nhận OCOP, đơn vị đã dần khẳng định chất lượng sản phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng. Năm 2022, doanh thu của công ty tăng từ 10-15%.
“Thời gian qua, công ty có sự phát triển vượt bậc về kinh doanh. Tuy nhiên, về vấn đề xúc tiến thương mại vẫn chưa thực sự phát triển. Công ty rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa trong việc phát triển thị trường, để sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị, các trung tâm thương mại, kết hợp với hệ thống sản phẩm OCOP trên toàn quốc...”, bà Võ Thị Ngọc Ánh chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Ơn, Phó giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia Chương trình OCOP Quốc gia, hiện nay, trong bối cảnh xu thế mới, để phát triển, người dân cần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy. Việc tham gia Chương trình OCOP là một trong những cách làm bởi Chương trình OCOP có đào tạo, tập huấn, xây dựng cho người dân cách khảo sát thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh…
“Tham gia OCOP có nhiều cái lợi. Người dân được nhà nước hỗ trợ, bám sát quá trình, đánh giá khẳng định xem sản phẩm đang đứng ở mức độ nào, có thể bán, cạnh tranh được không. Sau khi đánh giá, nhà nước sẽ hỗ trợ người dân về xúc tiến thương mại. Đây là phần quan trọng nhất để người dân bán được hàng và dịch vụ từ đó mới có thể phát triển kinh tế”, ông Trần Văn Ơn chia sẻ.
Thực tế, việc “Được mùa mất giá, được giá mất mùa” là vòng tròn luẩn quẩn mà nhiều người dân đang gặp phải. Để tìm ra hướng đi, người nông dân rất cần sự định hướng, hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng. Nhưng trước hết, chính các chủ thể cần thay đổi về cách thức thực hiện, thay đổi tư duy trong lao động, sản xuất.
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Chương trình OCOP tại tỉnh Đắk Lắk được triển khai vào năm 2018, đến năm 2020, với sự tuyên truyền mạnh mẽ của cơ quan chức năng, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đã vào cuộc tiếp cận xây dựng sản phẩm. Từ việc có 35 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP vào năm 2020 thì đến năm 2021, đã có 72 sản phẩm được cấp chứng nhận từ 3 - 4 sao (8 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 64 sản phẩm đạt OCOP 3 sao). Đây là kết quả bước đầu của tỉnh trong việc lan tỏa chương trình. Sản phẩm OCOP đều có mặt tại 15 huyện, xã, thành phố của tỉnh.
Trong định hướng phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh Đắk Lắk xây dựng Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đặt ra là tất cả các xã trong tỉnh đều có sản phẩm OCOP; tận dụng tiềm năng, lợi thế, điều kiện để khơi gợi sự sáng tạo ở các vùng, làm sao có đầy đủ 6 nhóm sản phẩm; đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP, năm 2030 có 300 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận, các sản phẩm nâng dần chất lượng, hạng sao, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước một cách thiết thực...
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, qua 4 năm triển khai chương trình, chất lượng sản phẩm được các chủ thể quan tâm, nâng lên qua các năm. Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn còn nhiều điểm yếu như bao bì nhãn mác chưa bắt mắt, câu chuyện sản phẩm còn đơn điệu chưa xúc tích, lôi cuốn, tiếp cận thị trường còn hạn chế… Để khắc phục, tỉnh đang thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn.
“Để chương trình phát huy hiệu quả, Đắk Lắk sẽ hỗ trợ khâu sản xuất như hỗ trợ về các trang thiết bị phục vụ sản xuất, hỗ trợ kết cầu hạ tầng, đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, kinh phí xây dựng nhãn mác, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngòai nước, quảng bá sản phẩm… Đây là những vấn đề trong Đề án xây dựng Chương trình OCOP trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hoài Dương chia sẻ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Biêr Niê cho biết, là địa phương có nhiều lợi thế về địa hình, thiên nhiên, văn hóa, thổ nhưỡng… từ trước đến nay, giá trị sản phẩm của Đắk Lắk luôn được các doanh nghiệp thông qua chế biến nâng cao chất lượng, tạo uy tín trên thị trường quốc tế.
Với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tạo nguồn nhân lực, tài lực để chương trình phát triển. Đặc biệt, việc vận động người nông dân, chủ thể là các hộ kinh doanh, hợp tác xã tích cực hơn nữa trong phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm thu lợi nhuận tốt nhất, nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp trên phạm vi địa phương và cả nước.