Theo thông tin tại hội thảo, thời gian qua, Hải Dương là một trong những tỉnh là tâm điểm COVID-19. Đến nay, Hải Dương đã ghi nhận 28 ca mắc COVID-19, trong đó có 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng với 2 ổ dịch phức tạp. Tỉnh đã tiếp nhận 9 đợt công dân Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh về cách ly y tế với 1.390 công dân.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương cho biết, với nhiều hình thức sinh động, truyền thông đã góp phần đắc lực vào cuộc chiến chống COVID-19, nhưng hiện nay vẫn có tin giả tràn lan. Trong bối cảnh khủng hoảng y tế, thông tin sai lệch có thể khiến người dân phòng ngừa không hiệu quả và dễ bị tổn thương trước dịch bệnh. Vì thế, nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đã thảo luận, đánh giá vai trò của truyền thông trong phòng, chống COVID-19, tổng kết các hình thức truyền thông, phổ biến kiến thức mang lại hiệu quả cao, đúc kết bài học kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19.
Các ý kiến đều nhận định tình hình dịch COVID-19 đang bước sang giai đoạn mới, nhiều diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan vào Việt Nam, cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác phòng, chống dịch, đẩy mạnh công tác truyền thông.
Hải Dương đã có nhiều phương thức, cách làm mới trong tuyên truyền phòng, chống dịch để thông tin kịp thời cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch.
Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khai báo y tế, các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch...
Bên cạnh báo đài tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở của Hải Dương đã phát huy hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch. Cụ thể, mỗi tháng, 12 đài phát thanh cấp huyện xây dựng và duy trì 34 chuyên mục, chương trình và phát 1.000 lượt tin bài tuyên truyền; 235 đài truyền thanh cấp xã duy trì việc tiếp âm đài cấp trên và phát khoảng 5.000 lượt tin, bài tuyên truyền. Ngành thông tin và truyền thông cũng tăng cường phối hợp với Công an tỉnh theo dõi và xử lý nhiều trường hợp đăng tin giả, sai sự thật lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.
Nhiều cách làm mới, sáng tạo của Hải Dương đã mang lại hiệu quả tích cực trong truyền thông phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn đã triệt để tận dụng kênh mạng xã hội như Fanpage, group Facebook, Zalo để đăng tải các thông tin chính xác, kịp thời, có chọn lọc, qua đó hạn chế sự nhiễu loạn, lan truyền thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận.
Hiện nay, Hải Dương có một số trang có lượng thành viên lớn như Thành Đông ngày mới, xứ Đông văn hiến... Các kênh truyền thông vừa thông tin tình hình phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, vừa lan tỏa những hình ảnh, câu chuyện đẹp trong công tác phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, cung cấp thông tin dịch bệnh tới người dân.
Hải Dương xếp thứ 4 toàn quốc về tỷ lệ người dân tham gia khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI và xếp thứ 3 toàn quốc về cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluzone. Thông qua ứng dụng Bluzone đã xác định được 20 trường hợp F1, 9 trường hợp F2 từ các ca mắc COVID-19 trên địa bàn.
Là một trong những tâm điểm dịch COVID-19, thành phố Hải Dương đã khống chế hiệu quả dịch bệnh, đến nay đã hơn 70 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới. Theo đại diện lãnh đạo thành phố, kết quả này một phần quan trọng nhờ công tác truyền thông kịp thời, chính xác, minh bạch, hiệu quả và mang tính nhân văn. Việc truyền thông bám sát thực tiễn, thông tin chân thực, đầy đủ các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, quá trình di chuyển của bệnh nhân, F1,F2 và đời sống người dân trong các khu cách ly. Thành phố cũng khai thác triệt để các kênh báo chí, mạng xã hội, tin nhắn điện thoại, loa phường và các tổ COVID cộng đồng, các tình nguyện viên tổ dân phố.
Bên cạnh đó, thanh niên tình nguyện và các nhà giáo đã sáng tác những tác phẩm nghệ thuật, dàn dựng nhiều ca khúc cổ động, phản ánh kịp thời về việc phòng, chống dịch COVID-19, cổ vũ động viên tinh thần cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, khơi dậy sự đồng lòng trong nhân dân chung tay chống dịch; đấu tranh quyết liệt với thông tin giả mạo, sai sự thật về dịch bệnh gây phức tạp tình hình, đi ngược lại với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị, qua đó giúp người dân kịp thời hiểu rõ sự việc và góp phần ổn định xã hội.
Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Trưởng ban Truyền thông và phổ biến kiến thức, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, cách làm của Hải Dương là những kinh nghiệm rất quý báu để các địa phương khác tham khảo trong phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; là điểm sáng khi khai thác mạng xã hội trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.
Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh đề nghị Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương cần tổng kết thành văn bản, tham mưu cho tỉnh và ngành y tế để tiếp tục có những sách lược đúng đắn trong cách thức truyền thông giai đoạn hậu COVID, nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội...