Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện mục tiêu hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng trưởng kinh tế.
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch số 66/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong đó, trọng tâm là đưa mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) của toàn tỉnh năm lên 104 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người của các huyện nghèo lên trên 44,6 triệu đồng/năm.
Tỉnh phấn đấu giảm trên 9.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo so với năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi.
Tỉnh tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 25 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 100 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu có trên 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập…
Tại các địa phương, việc hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững… đã được thực hiện rộng rãi, bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ.
Đơn cử như ở xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, nhờ phát triển thành công mô hình nuôi lợn đen bản địa, đã có 10 hộ gia đình giảm được nghèo. Đơn cử như gia đình anh Lò Láo Tả, thôn Tùng Sáng, đã có nguồn thu nhập ổn định 150 - 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn đen. Đại diện lãnh đạo UBND xã A Mú Sung cho biết: Từ thành công của gia đình anh Tả, năm 2024, xã có thêm các hộ mạnh dạn đăng ký đầu tư phát triển trang trại nuôi lợn đen tại các thôn Ngải Trồ, Phù Lao Chải và Lũng Pô. Xã đang xây dựng thương hiệu lợn đen bản địa của địa phương.
Bên cạnh đó, xã A Mú Sung cũng áp dụng nhiều mô hình, dự án khác để tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình.
Không chỉ có xã A Mú Sung, để đạt mục tiêu kế hoạch giảm nghèo đề ra, nhiều xã trong huyện Bát Xát đã tích cực phát động và tham gia thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”, triển khai đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng và an sinh xã hội. Năm 2023, huyện có 1.220 hộ giảm nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 6,81%.
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bát Xát, trong năm 2024, huyện Bát Xát tập trung vào 7 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện chủ trương mỗi cán bộ, đảng viên giúp đỡ 1 hộ nghèo, phấn đấu giảm nghèo 7,2% trong năm.
Còn với huyện Bảo Thắng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã chọn giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động để giúp người dân có việc làm ổn định. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh từ sớm, từ xa. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác tìm kiếm việc làm sau đào tạo nghề. Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, mở rộng hợp tác tìm kiếm việc làm cho người lao động trong và ngoài nước.
Đồng thời, đã khảo sát và đào tạo 22 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 700 học viên từ nguồn vốn giảm nghèo và dân tộc thiểu số miền núi, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp tại các xã: Gia Phú, Phú Nhuận, Thái Niên, Xuân giao; thị trấn nông trường Phong Hải; thị trấn Tằng Loỏng; Thái Niên…
Huyện Bảo Thắng phấn đấu đến cuối năm 2024 toàn huyện còn 771 hộ nghèo, tỷ lệ 2,61%, 1.372 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,64%, tỷ lệ khá giàu đạt 48,6%. Hy vọng rằng với những cách làm thiết thực và phù hợp tại các địa phương, mục tiêu giảm nghèo thực hiện Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Lào Cai sẽ sớm về đích.