Trà Vinh ứng phó bão số 4 và đợt triều cường
Các địa phương, ngành chức năng, lực lượng vũ trang trong tỉnh Trà Vinh khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 4 và đợt triều cường được dự báo dâng cao trong tháng 9.
Trước diễn biến của bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình, diễn biến của bão số 4; chủ trì, phối hợp sở, ban, ngành, địa phương tổ chức phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, không để bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra.
Các địa phương, nhất là vùng ven biển, ven sông lớn tăng cường kiểm tra, tuần tra, thực hiện gia cố, khắc phục công trình đê, kè đảm bảo an toàn công trình; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện chủ động triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm "bốn tại chỗ" khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tăng cường triển khai công tác phòng, chống ngập úng, triều cường, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái và rau màu trên địa bàn tỉnh.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu khi có tình huống thiên tai xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi; kiểm đếm, thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Cầu Kè triển khai nhanh việc gia cố, sửa chữa 3 điểm sạt lở ven sông Hậu tại 2 xã Hòa Tân và Ninh Thới. Đây là các điểm nguy cơ cao sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 250 hộ dân và trên 250 ha vườn cây ăn trái. Đến ngày 19/9, huyện Cầu Kè đã gia cố xong điểm sạt lở ven sông Hậu thuộc ấp An Bình, xã Hòa Tân, 2 điểm nguy cơ sạt lở còn lại đang được gấp rút thi công.
Bí thư Thị ủy Duyên Hải Dương Văn Triệu cho biết, trên địa bàn thị xã có đoạn đê kè ven biển thuộc xã Hiệp Thạnh, đều xuất hiện triều cường dâng cao, sóng lớn hàng năm vào mùa mưa bão. Qua kiểm tra, hiện đê kè xã Hiệp Thạnh có 3 đoạn có mái kè bị lún, tiềm ẩn nguy cơ gây sụp mái kè. Đảm bảo an toàn đê kè, tính mạng và tài sản của người dân, thị xã đề xuất Chi cục Thủy lợi tỉnh và Hạt Quản lý đê điều tham mưu UBND tỉnh sớm cho chủ trương triển khai khắc phục đoạn mái kè bị sụp lún để không phát sinh lan ra diện rộng, đảm bảo an toàn, chống chịu sóng to, triều cường dâng cao.
Trước diễn biến của bão số 4, cùng với công tác gia cố đê điều, bờ bao, các địa phương trong tỉnh khẩn trương giúp hộ khó khăn về nhà ở, nhà ở chưa kiên cố chằng, chống nhà cửa, phòng, tránh mưa lớn, lốc, sét nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Tại các trung tâm thị trấn, trung tâm huyện, thị xã, thành phố, các lực lượng chặt tỉa cây xanh khu vực công cộng có nguy cơ ngã đổ gây mất an toàn lưới điện, cản trở giao thông, nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Kiên Giang khắc phục hậu quả thiên tai
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, từ 16/9 đến sáng 19/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông mưa lớn ở một số nơi trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại về tài sản của người dân.
Theo đó, mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường dâng cao, xuất hiện tình trạng ngập cục bộ tại một số khu vực tại thành phố Phú Quốc, làm ảnh hưởng đến 430 hộ dân. Cụ thể, các tuyến đường tại 2 phường Dương Đông, An Thới và các xã Cửa Dương, Dương Tơ, Hàm Ninh bị ngập nước, nơi ngập sâu nhất khoảng 0,6 m. Các lực lượng ứng phó tại chỗ hỗ trợ di dời 75 hộ dân đến nơi tránh trú an toàn, không gây thiệt hại về người.
Tàu cá mang số hiệu KG-953525-TS do ông Nguyễn Văn Chiến, trú tại thành phố Rạch Giá làm chủ, do sóng to, gió lớn đã chìm khi đang neo đậu ở khu vực biển cách Hòn Thơm (Phú Quốc) khoảng 600 m, trên tàu có 9 thuyền viên được ứng cứu an toàn.
Thành phố Phú Quốc điều động hàng trăm người gồm, công an, quân sự, đội xung kích phòng, chống thiên tai cùng nhiều xe tải, xe gắn máy, phao bè, áo phao và phương tiện cứu hộ khác hỗ trợ người dân tại nơi bị ngập cục bộ.
Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang tạm dừng hoạt động tàu thuyền vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh từ đất liền ra các đảo và ngược lại (các tuyến Rạch Giá - Nam Du, Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc) kể từ 6 giờ trong các ngày 16 và 18/9 nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách.
Do ảnh hưởng thời tiết xấu, mưa liên tục tại xã đảo An Sơn (Kiên Hải) gây sạt lở đất, đá trên núi đổ xuống đường quanh đảo. Lực lượng tại chỗ, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang hỗ trợ, dọn dẹp đất đá trả lại tuyến đường thông thoáng để bà con trên đảo và khách du lịch đi lại dễ dàng.
Địa phương khuyến cáo bà con, khách du lịch hạn chế đi đến những nơi vắng vẻ và khu vực đã xảy ra sạt lở đất đá, không tắm biển khi có gió lớn, sóng to để đảm bảo an toàn. Xã An Sơn rà soát trên địa bàn các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở cao và cấm biển báo an toàn, cảnh báo khu vực nguy hiểm.
Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo diễn biến thời tiết, nhất là bão số 4, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp phòng chống, ứng phó thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.