Một trong những chương trình mục tiêu quốc gia đang góp phần thay đổi diện mạo buôn làng vùng nông thôn, miền núi là chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 9/2023, tổng nguồn vốn huy động triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh Gia Lai là hơn 8.000 tỷ đồng; trong đó, từ năm 2021 đến nay, đã có 91 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nhiều tiêu chí đã được các địa phương hoàn thành và ngày càng tiến gần tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo già làng Ksor Cân, làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới cộng với sự đồng lòng của bà con nhân dân, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây cối và hiến hàng trăm mét đất, đóng góp công sức và tiền của để chung sức xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, đi lại thuận tiện. Đến nay, xã Ia O đã có 24 km đường trục xã, liên xã đã được nhựa hoá và bê tông hoá; gần 25 km đường trục thôn, đường trục làng được cứng hoá; trên 90,7% đường làng ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa. Năm 2021, xã Ia O đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Chúng tôi đến huyện Chư Pưh nơi có 53 thôn, làng người đồng bào dân tộc thiểu số, với gần 48.000 nhân khẩu, chiếm hơn 55,5% dân số toàn huyện. Những năm qua, nhờ nguồn vốn từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc và các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp thay đổi diện mạo vùng nông thôn, cuộc sống người dân ngày một cải thiện.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021-2025) tại huyện Chư Pưh đã triển khai hỗ trợ cho 118 hộ xây dựng nhà ở; hỗ trợ xây dựng các công trình nước sinh hoạt cho 149 hộ và đầu tư xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Cùng với đó, chương trình cũng đã triển khai dự án sắp xếp, bố trí ổn định cho 55 hộ dân tộc thiểu số định cư, định canh tại làng Ia Jol và Ia Brêl, xã Ia Le; xây dựng 16 công trình giao thông cho các xã thuộc khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện Chư Pưh đã đạt 54,08 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,43%, trong đó hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 16,48%.
Trưởng thôn Nay Ky, làng Tao Ôr, xã Ia Roong, huyện Chư Pưh cho biết, những năm gần đây, được nhà nước quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn của làng, đổi thay từng ngày, đời sống của người dân cũng được nâng lên. Hệ thống đường giao thông được đầu tư giúp người dân đi lại thuận lợi, các mặt hàng nông sản cũng được tiêu thụ thuận tiện hơn, người dân vui mừng, hăng say lao động sản xuất.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng là một trong những chương trình trọng điểm, giúp người dân khó khăn của tỉnh Gia Lai vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, ổn định cuộc sống.
Trong 3 năm (2021 - 2023), tỉnh Gia Lai đã phân bổ hơn 400 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đã giải ngân gần 115 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, tỉnh Gia Lai cũng thực hiện lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án; triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng, huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình trên địa bàn.
Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,09% năm 2021, giảm còn 8,11% vào cuối năm 2023; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 25,58% năm 2021 xuống còn 17,05% vào cuối năm 2023, đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.