Kỳ I: Chính quyền số: Chuyển biến nhỏ tạo thay đổi lớn
Tại Phú Thọ, quá trình chuyển đổi số đã huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thay đổi phương thức sống, làm việc, thụ hưởng của người dân. Nhìn rõ “đã làm được gì và đang ở đâu”, Phú Thọ đang tiếp tục lộ trình chuyển đổi số một cách bài bản và có trọng điểm.
“Chuyển đổi số” quan trọng nhất và trước hết là thay đổi về nhận thức. Một khi cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên có tư duy chuyển đổi số, thì bất kỳ phương tiện công nghệ tiến bộ, hiện đại nào cũng có thể được vận dụng để trở thành đòn bẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Có 3 thay đổi lớn nhất mà quá trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số mang lại: Chuyển từ văn bản giấy sang văn bản điện tử giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí; hệ thống hội nghị trực tuyến đưa thông tin đến với cơ sở nhanh chóng và đầy đủ; dịch vụ công trực tuyến phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Đây là nhận định chung của người đứng đầu nhiều địa phương trong tỉnh.
Những chuyển biến từ cơ sở
Có mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao vào một ngày cuối tháng 12/2023, chứng kiến hình ảnh anh Nguyễn Văn Tuấn - cán bộ công chức Tư pháp đang cần mẫn nhập dữ liệu trên hệ thống phần mềm, mới thấy “chuyển đổi số” thực sự không kể tuổi tác.
Anh Tuấn chia sẻ: "Ban đầu, khi được điều sang Bộ phận một cửa để làm công tác Tư pháp, tôi rất “hoang mang”, bởi bản thân đã trên 50 tuổi, sợ sẽ không “bắt kịp” công nghệ để sử dụng phần mềm quản lý và điều hành văn bản trên môi trường mạng, nhập dữ liệu trên các hệ thống phần mềm dùng chung cũng như hướng dẫn người dân giải quyết dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, lãnh đạo xã đã quan tâm, động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho tôi đi tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng số và cử cán bộ trẻ giúp đỡ, hỗ trợ trong quá trình thực hiện công việc. Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng nỗ lực dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi. Đến nay, tôi đã nắm vững công việc, làm tốt nhiệm vụ".
Đồng chí Vũ Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao khẳng định: "Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng đối với quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Do vậy, thị trấn thường xuyên tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, nhất là vai trò của lãnh đạo trong chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
Chúng tôi tận dụng nguồn nhân lực sẵn có để đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, đảm bảo triển khai tốt nhiệm vụ chứ không trông đợi, khoán trắng cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng động viên, khích lệ, dần gỡ “nút thắt ngại tiếp cận cái mới, công nghệ mới” cho cán bộ. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức của thị trấn đã sử dụng thành thạo phần mềm quản lý và điều hành văn bản để xử lý văn bản trên môi trường mạng. Công chức bộ phận Một cửa đã cài đặt các phần mềm chuyên ngành để xử lý công việc và giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, dần thay đổi thói quen làm việc từ truyền thống sang xử lý trên môi trường điện tử".
Với anh Ngô Chí Anh - Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Hưng Long, huyện Yên Lập thì: “Để người dân hiểu về chuyển đổi số thì bản thân mỗi cán bộ, công chức xã phải thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận về chuyển đổi số. Với tôi “chuyển đổi số” không phải là khái niệm quá trừu tượng, mà chuyển đổi số cơ bản là cách mỗi người chuyển từ cách làm việc cũ sang cách làm việc mới nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Cách đây 10 năm, tôi đã tự học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện công việc. Vì vậy, tôi nhận biết được tầm quan trọng và lợi ích đem lại cho cán bộ, công chức cũng như người dân khi triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Để người dân biết và thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng, cán bộ xã như anh Anh vừa tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ bản giấy, vừa cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho người dân các thao tác trên điện thoại thông minh; đồng thời hướng dẫn người dân lập tài khoản, thao tác gửi hồ sơ qua mạng, giúp người dân gỡ bỏ tâm lý ngại khó, dần làm quen với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính.
So sánh kết quả giữa trước và sau khi thực hiện chuyển đổi số, đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Long, huyện Yên Lập cho biết: Hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước hiện nay đã được thực hiện thông qua môi trường số, như: Hệ thống “Một cửa điện tử”, “Một cửa điện tử liên thông”; phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử công vụ; quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng; các trang/cổng thông tin điện tử; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến...
Do đó có thể giải quyết công việc ở mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đi công tác, nên mọi việc được giải quyết kịp thời, người dân không phải chờ đợi lâu. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, xã đã thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản, không còn tình trạng tồn đọng trong tiếp nhận, xử lý văn bản như trước.
Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng được siết chặt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Không chỉ thị trấn Hùng Sơn, xã Hưng Long, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang quyết tâm chỉ đạo và đề ra những giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”, nhất là nguồn nhân lực số, hạ tầng số và sự đồng hành của người dân ở cơ sở trong chuyển đổi số.
Chính sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy và hành động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, của từng cán bộ, công chức tại cơ sở với phương châm “không ai đứng ngoài cuộc” đã và đang giúp thay đổi từ những điều nhỏ nhất, góp phần chuyển đổi số trên quy mô lớn hơn.
Góp phần thực hiện mục tiêu lớn
Trong ba trụ cột chính (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), Phú Thọ xác định chính quyền số thực hiện sứ mệnh dẫn dắt kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung làm tốt việc huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng số. Phát triển, kết nối, khai thác các nền tảng chuyển đổi số tập trung, thống nhất trong toàn tỉnh như: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Hệ thống hội nghị trực tuyến; Trung tâm điều hành thông minh; Trung tâm giám sát an toàn thông tin; Trung tâm dữ liệu số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, đời sống Nhân dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên tinh thần giải quyết từng việc một đi đôi với rút kinh nghiệm thường xuyên, Phú Thọ đã lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có tác động trực tiếp vào khâu đột phá của tỉnh để tập trung thực hiện chuyển đổi số. Trong đó đảm bảo đầy đủ các điều kiện, kết nối liên thông thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm; xây dựng Kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành là yếu tố quan trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng trong các cơ quan nhà nước. Đồng thời, phát huy tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng số, từ đó đưa công nghệ số lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân.
Đến nay, hơn 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); trên 70% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến; 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, quốc gia.
Bên cạnh đó, 100% các cơ quan Nhà nước triển khai có hiệu quả Hệ thống điện tử lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát công việc. Nền tảng dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã hoạt động ổn định, đem lại hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Hệ thống hội nghị trực tuyến triển khai ở 100% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã với 300 điểm.
Đồng chí Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ cho biết: Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, công tác chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ việc xây dựng thể chế, tinh thần nỗ lực “vượt khó” từ tỉnh đến cơ sở, từ người đứng đầu đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công tác chuyển đổi số nói chung và xây dựng chính quyền số nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định.
Kết quả xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đã góp phần tăng thứ hạng các chỉ số của tỉnh như: Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh - DTI xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, trong đó hạ tầng số xếp thứ 6/63 tỉnh thành phố, chính quyền số xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công - PAPI xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính - SIPAS xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PCI xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố. Từ đó, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Có thể thấy ngoài những kết quả thể hiện bằng con số thì sự đổi thay đáng nói nhất chính là nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Thể hiện ở việc, các cơ quan, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị, tạo lập cơ sở dữ liệu số đã đổi mới hoàn toàn hoạt động của bộ máy chính quyền, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí. Mọi hoạt động của chính quyền đều hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Kỳ 2: Kinh tế số: Nắm bắt cơ hội, tiến bước vững chắc