Đến cuối tháng 3/2021, bà con đã thu hoạch được gần 20.000 ha với sản lượng gần 282.000 tấn rau màu cung ứng thị trường. Ngoài ra, toàn tỉnh còn xuống giống được 1.295 ha ngô, đã thu hoạch gần 900 ha, với sản lượng trên 3.200 tấn.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, các loại rau màu thực phẩm, màu lương thực trồng trong vụ Đông Xuân 2020 – 2021 đều mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với trồng lúa năng suất cao. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi trong việc khuyến khích nông dân tổ chức lại sản xuất, cơ cấu hợp lý cây trồng và mùa vụ sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai trong tương lai đối với những địa bàn khó khăn.
Đáng chú ý, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phòng chống thiên tai hạn – mặn, trong mùa khô 2021, nông dân Tiền Giang tích cực chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa ở những địa bàn khó khăn, xa nguồn nước hoặc không có nguồn nước bơm tát phục vụ sản xuất, có nguy cơ thiệt hại sang trồng các loại rau màu thực phẩm, tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị cung ứng thị trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho bà con.
Trong số đó, ngô đạt năng suất 32 tấn/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, còn lãi trên 100 triệu đồng, gấp ba lần trồng lúa; trồng dưa hấu trên nền đất lúa đạt năng suất bình quân trên 22 tấn/ha, trừ chi phí còn lãi gần 37 triệu đồng, gấp 1,1 lần trồng lúa năng suất cao; trồng các loại rau ăn lá đạt năng suất gần 20 tấn/ha, trừ chi phí còn lãi trên 83 triệu đồng, cao gấp 2,4 lần so với trồng lúa năng suất cao.
Với định hướng trở thành vùng trồng rau màu an toàn trọng điểm của tỉnh, các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công đang khuếch trương thế mạnh trồng rau màu an toàn VietGAP, hình thành các hợp tác xã kiểu mới tập hợp nông dân, ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ trong thâm canh để nâng chất lượng rau màu, đảm bảm an toàn và truy xuất nguồn gốc.
Tại huyện ven biển Gò Công Đông, theo trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Quí, thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi màu vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, Gò Công Đông tiếp tục phát triển cây màu theo hướng chuyên canh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã trồng rau an toàn gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nông dân hưởng lợi.
Trước mắt, địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh rau an toàn tập trung tại xã Bình Nghị, Tân Đông và Tân Tây. Tại đây, nông sản của bà con được các Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông, Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị và Hợp tác dịch vụ nông nghiệp Tân Tây hợp đồng tiêu thụ cung cấp cho các siêu thị, các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể trong ngoài tỉnh.
Huyện Gò Công Tây đã thành lập được 3 Hợp tác xã rau an toàn là Thạnh Hưng (Thạnh Trị), Phú Quới (Yên Luông), Hòa Thạnh (Bình Tân) với tổng diện tích rau an toàn VietGAP trên 30 ha. Còn tại huyện Gò Công Đông, đến nay, diện tích rau màu đạt chứng nhận VietGAP trên 37 ha chưa kể trên 100 ha rau màu được trồng theo mô hình trong nhà lưới, nhà màng cho phép quản lý tốt dịch hại trên cây trồng.
Được sự khuyến khích của Nhà nước, bà con còn mạnh dạn đầu tư mô hình trồng rau màu trong nhà lưới, nhà màng vừa giảm chi phí sản xuất, ít sâu bệnh, chất lượng nông sản tốt vừa chủ động được mùa vụ và nhu cầu thị trường.
Theo Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) Nguyễn Thanh Quang, giá thành mỗi nhà lưới có diện tích 1.000 m2 trồng rau màu đầu tư ban đầu khoảng từ 45 triệu đồng đến 50 triệu đồng, chỉ sau 3 năm hoàn vốn.
Đó là chưa kể với việc thiết kế hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, trồng màu trong nhà lưới sẽ tránh được thiên tai hạn mặn gây thiệt hại. Tại Hợp tác xã rau an toàn Hòa Thạnh hiện có 10 nhà lưới trồng rau an toàn, các xã viên đang tiếp tục đầu tư thêm 10 nhà lưới trồng rau an toàn trong năm 2021.