Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khẳng định Đắk Nông là tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên và là tỉnh thứ 31 cả nước hoàn thiện hồ sơ và đủ điều kiện để thẩm định quy hoạch tỉnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao công tác chuẩn bị và hoàn thiện quy hoạch của tỉnh Đắk Nông, đồng thời khẳng định quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội để Đắk Nông đánh giá lại nguồn lực phát triển, xác định các vấn đề mấu chốt, điểm nghẽn ảnh hướng tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, nội dung xuyên suốt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 là xây dựng Đắk Nông thành địa phương phát triển bền vững và năng động. Tỉnh xác định công nghiệp là động lực cho tăng trưởng với định hướng đưa Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumin, luyện nhôm và công nghiệp chế biến các sản phẩm sau nhôm. Đây là định hướng quan trọng dựa trên điều kiện thực tế Đắk Nông là địa phương có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước với sản lượng khoảng 5,4 tỷ tấn và việc nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào vận hành chính thức hơn 5 năm qua đã khẳng định hiệu quả kinh tế của việc khai thác bô xít, chế biến alumin và những tác động tích cực của ngành công nghiệp này đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông.
Trên cơ sở xác định công nghiệp khai thác bô xít là đồng lực cho tăng trưởng kinh tế, Đắk Nông cũng xác định trở thành trung tâm năng lượng tái tạo vùng Tây Nguyên. Việc phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ tận dụng những tiềm năng sẵn có của tỉnh trong lĩnh vực này đồng thời cung ứng điện cho quá trình phát triển ngành công nghiệp khai thác bô xít. Nhất là trong điều kiện cường độ gió và bức xạ của một số địa phương tỉnh Đắk Nông thuộc nhóm tốt nhất cả nước cho phát triển điện gió, điện mặt trời.
Đắk Nông cũng xác định phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với thị trường, trong bối cảnh tỉnh đang là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng hồ tiêu; đứng thứ ba cả nước về diện tích, sản lượng cà phê. Với các tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, Đắk Nông đang dần hình thành những vùng chuyên canh các loại trái cây đặc sản như bơ, sầu riêng và một số loại cây có múi tập trung với sản lượng, chất lượng cao nhất nhì cả nước. Tỉnh cũng đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư và nhiều dự án chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi lợn.
Bên cạnh đó, với những lợi thế rõ rệt về khí hậu, thắng cảnh và môi trường rừng, Đắk Nông cũng định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên, với cộng đồng 40 dân tộc anh em và di sản công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông định hướng hình thành 11 đô thị, bao gồm 4 đô thị cấp tỉnh (Gia Nghĩa loại II; các đô thị Đắk Mil, Đắk R’Lấp, Cư Jút là đô thị loại III). Thêm nữa, tỉnh định hướng xây dựng 4 đô thị cấp huyện và 3 đô thị chuyên ngành. Tỉnh cũng định hướng xây dựng 4 vùng hành lang kinh tế với việc đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến đường giao thông huyết mạch như cao tốc Ngọc Hồi – Chơn Thành; đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ); Quốc lộ 28; Quốc lộ 14C và các tuyến đường hỗ trợ.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đã góp ý nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực cho quy hoạch tỉnh Đắk Nông. Nhất là vấn đề phát triển công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản; việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành khai thác bô xít, luyện nhôm; vấn đề liên kết ngành trong phát triển nông nghiệp; vấn đề thu hút vốn đầu tư vào các dự án trọng điểm, mang tính chiến lược của tỉnh; việc phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng quá trình phát triển nội vùng và liên vùng…
Kết thúc hội nghị, Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thông qua quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung. Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định tỉnh sẽ tiếp thu tối đa, có báo cáo giải trình đầy đủ, đồng thời điều chỉnh để quy hoạch tỉnh Đắk Nông thống nhất, đồng bộ hơn với quy hoạch vùng Tây Nguyên và của quốc gia. Ông Lê Văn Chiến cũng mong muốn các bộ, ngành Trung ương quan tâm, giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng phù hợp với các thế mạnh, đề xuất của tỉnh Đắk Nông để tỉnh có điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, triển khai quy hoạch.