Đây là tin vui và cũng tạo áp lực không nhỏ cho ngành y tế và địa phương để duy trì thành quả này, đặc biệt trong cao điểm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến rất gần.
Từ hàng không đến đường bộ
Nằm ở vị trí phía Nam Tây Nguyên, tiếp giáp nhiều tỉnh, thành của khu vực miền Nam, miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên với nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua địa bàn, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, ngành y tế Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan chức năng siết chặt công tác kiểm tra, thống kê người đi vào trên mọi tuyến đường.
13 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 gấp rút được thành lập và đi vào hoạt động nhằm kiểm soát chặt chẽ người đi vào địa bàn trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ của Lâm Đồng. Các chốt kiểm tra như những “lá chắn” ở cửa ngõ, ngày đêm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Kể từ thời điểm thành lập 4 chốt kiểm soát ban đầu (30/1/2021), đến ngày 8/2, hệ thống 13 chốt kiểm soát đã rà soát, kiểm tra sức khỏe hơn 500.000 lượt người đi vào địa bàn.
Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (nơi có chốt kiểm soát trên Quốc lộ 27C, kiểm tra tất cả phương tiện, người đi từ miền Bắc, miền Trung) cho biết: Địa phương chủ động tiếp ứng nhân lực, vật lực cho chốt kiểm soát này để sẵn sàng cho đợt cao điểm du lịch sau Tết, dự kiến lượng người và phương tiện sẽ đi Đà Lạt đông.
Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch tại Cảng hàng không Liên Khương (huyện Đức Trọng) cũng được chú trọng thực hiện với các giải pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế như quy định 5K, phun khử khuẩn Cloramin-B toàn bộ nhà ga và trang thiết bị mỗi ngày, hạn chế tập trung đông người, trang bị nước rửa tay sát khuẩn khu vực công cộng, tổ chức đo thân nhiệt và khai báo y tế cho 100% hành khách khi đi máy bay…
Đặc biệt, Cảng hàng không Liên Khương đã phối hợp với ngành y tế, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 với 201 cán bộ, nhân viên và các đơn vị hoạt động tại sân bay, kết quả xét nghiệm 100% mẫu âm tính. Theo lãnh đạo Cảng hàng không Liên Khương, đây là việc làm cần thiết để phòng ngừa và sàng lọc nhằm đảm bảo hệ thống cảng hàng không luôn được kiểm soát để có đủ nhân lực phục vụ nhân dân đi lại trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán này.
Lãnh đạo địa phương không rời địa bàn
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, trong đợt dịch này, tính đến ngày 8/2, toàn tỉnh có 467 trường hợp theo dõi, thực hiện cách ly (197 trường hợp hiện đã hoàn thành cách ly) theo quy định. Tỉnh cũng thực hiện theo dõi sức khỏe 22.696 trường hợp khác. Tính đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đã lấy 517 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và tất cả đều âm tính. Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình sẽ phức tạp hơn khi lượng người dân và cả du khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đột biến trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, ngành y tế sẽ nâng mức hoạt động chống dịch ở cấp độ cao nhất, kích hoạt tất cả các khu cách ly tập trung với hơn 4.000 giường bệnh, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp thuộc diện cách ly bắt buộc để phòng dịch COIVD-19. “Ngành cũng hướng dẫn các trung tâm y tế, đơn vị phân loại các trường hợp F1, F2, F3, trong đó chỉ cách ly tập trung đối với F1 (tiếp xúc trực tiếp với F0 là ca đã nhiễm bệnh) ở nơi đến, còn F2 thực hiện cách ly tại nhà, F3 thực hiện khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe”, ông Thuận cho biết.
Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 9/2, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nhận định, toàn tỉnh phải thống nhất thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”. Trong đó, lãnh đạo các huyện, thành phố được yêu cầu phải thường trực 24/24h tại địa phương, sẵn sàng chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời hạn chế tối đa việc đi lại trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh đề nghị dừng hoạt động đông người như lễ hội, tất niên, đám cưới, họp lớp, họp đồng hương… nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép trong năm 2021 và các năm tiếp theo.