Đà Nẵng: Dấu ấn từ những chính sách an sinh sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW

Triển khai Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, song công tác an sinh xã hội, với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, vẫn luôn được lãnh đạo Đà Nẵng ưu tiên dành nhiều nguồn lực. Nhờ đó, đã được Nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Lan tỏa chính sách an sinh trong mọi lĩnh vực

Các chương trình, chính sách an sinh luôn được thành phố Đà Nẵng nỗ lực triển khai trong 5 năm qua.  Nổi bật là các chương trình: “Thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”; “Không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025”; Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ đối với người có công, sửa chữa, xây dựng nhà chính sách, bảo hiểm y tế, giáo dục; Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đối với người cao tuổi, người thuộc hộ cận nghèo; Ban hành chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập; Thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ y tế tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập…

Chú thích ảnh
Đoàn viên thăm, khám bệnh, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Đặc biệt, trong thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, sức khỏe, tính mạng người dân luôn được chính quyền thành phố Đà Nẵng đặt lên trên hết, bằng mọi giá đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở.

Thành phố Đà Nẵng cũng triển khai kịp thời các chính sách của Trung ương và thành phố về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Trung ương và thành phố, với tổng kinh phí hơn 445 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2022).
Trong lĩnh vực giáo dục, để chia sẻ với những khó khăn với người dân sau đại dịch COVID-19, năm học 2022-2023, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ gần 4,7 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho 8.4 học sinh con hộ nghèo, học sinh mồ côi do COVID-19 và 4.400 học sinh con hộ cận nghèo đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Còn với năm học 2023-2024, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông khối công lập, ngoài công lập (không bao gồm trường có vốn đầu tư nước ngoài). Các đối tượng được giảm học phí theo các chính sách của Trung ương và thành phố được cấp bù phần hỗ trợ cho bằng 100% mức thu học phí công lập 2023-2024. Tổng số, đã hỗ trợ học sinh công lập hơn 316 tỷ đồng, hỗ trợ học sinh ngoài công lập hơn 92,2 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, với bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thành phố Đà Nẵng vẫn dành nguồn lực để triển khai tốt các chính sách giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, 100% các đối tượng yếu thế được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Giai đoạn 2019-2023, Đà Nẵng đã 2 lần nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn Trung ương trong từng giai đoạn; hỗ trợ 13.963 lượt hộ nghèo còn sức lao động thoát nghèo.  Đến cuối năm 2023, toàn thành phố Đà Nẵng còn 4.167 hộ nghèo còn sức lao động (tỷ lệ 1,39%), hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2019-2023. Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm là 0,89%/tổng số hộ dân cư.

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, hộ khó khăn có nơi ở ổn định, hội đoàn thể các cấp thành phố luôn đẩy mạnh vận động kinh phí để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn về nơi ở. Giai đoạn 2021-2023, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, Mặt trận các cấp của thành phố Đà Nẵng đã trao hơn 48,5 tỷ đồng, xây mới 232 nhà, sửa chữa 794 nhà cho hộ nghèo. Các hội, đoàn thể cũng hỗ trợ xây mới, sửa chữa hàng trăm nhà cho hội viên, đoàn viên khó khăn.

Đặc biệt, đầu năm 2023, với sự tham mưu của Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 và triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ. 

Hiện nay, Đà Nẵng là địa phương có quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước nhiều nhất với khoảng 80% quỹ nhà cả nước. Tính đến nay, thành phố Đà Nẵng đã dành ngân sách hơn 3.500 tỷ đồng để đầu tư nhà ở xã hội, bố trí cho thuê đối với nhóm đối tượng đặc biệt khó khăn về nhà ở như người có công với cách mạng, hộ giải tỏa, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, hộ nghèo, học sinh, sinh viên và công nhân khu công nghiệp.  

Cùng với đó, công tác chăm sóc gia đình chính sách, các đối tượng xã hội mỗi dịp Tết đến Xuân về được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; tổ chức nhiều chương trình thiết thực như Chương trình Xuân Yêu thương, Chương trình “Đông ấm cho em”, Chương trình giao lưu “Nghĩa tình quân dân”, “Phiên chợ quê - Sản phẩm nông sản đặc trưng”; hỗ trợ kịp thời các gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chi trả các khoản lương, thưởng và trợ cấp Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Riêng trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, thành phố đã thăm và tặng quà hơn 156.000 lượt đối tượng với tổng kinh phí hơn 116 tỷ đồng.

Không ai bị bỏ lại…

Giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo thành phố Đà Nẵng luôn đặt ra. Trong những năm qua, Đề án “Có việc làm” của Đà Nẵng tiếp tục được thực hiện tốt và khẳng định là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.

Với Chương trình “Có việc làm”, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đã tổ chức hơn 110 phiên giao dịch việc làm, kết nối việc làm cho 7.875 lao động. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu lao động được đẩy mạnh; hỗ trợ doanh nghiệp vay hơn 3.200 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho hơn 56.000 lao động.

Thành phố Đà Nẵng  cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển thị trường lao động và xây dựng các mô hình giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và tuyển dụng làm việc như: Kế hoạch thực hiện chương trình có việc làm, với mục tiêu giải quyết việc làm hằng năm từ 34.000-35.000 lao động, tỷ lệ việc làm tăng thêm từ 4,5-5%/năm; Kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; Kế hoạch triển khai Nghị quyết 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố…

Chú thích ảnh
Khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho thanh niên công nhân công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Đặc biệt, tháng 7/2022, Đà Nẵng đã ban hành Đề án về Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người có tài năng để phát triển nhân lực khu vực công đến năm 2030. Đây là đề án có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khu vực công thành phố có chất lượng cao, phù hợp với các chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và khung quy định chung của Chính phủ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Tổng số lao động đang làm việc của thành phố Đà Nẵng tính đến thời điểm này là 637.650 người (so với năm 2009 tăng 1,05%). Cơ cấu lao động đã dịch chuyển theo định hướng phát triển của thành phố, trong đó, lĩnh vực du lịch, dịch vụ chiếm 65,39%, công nghiệp - xây dựng chiếm 30,29%, nông - lâm - thủy sản chiếm 4,32%.

Số việc làm mới được tạo ra bình quân hằng năm giai đoạn 2019-2023 là 12.850 người. Đến cuối năm 2023 thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 36.500 lao động (đạt 104,3% kế hoạch); tỷ lệ lao động làm việc trong nền kinh tế tăng thêm đạt 4,75% (chỉ tiêu từ 4-4,5%), tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm 2023 giảm còn 2,5%.

Nhờ việc triển khai hiệu quả những chính sách an sinh xã hội, thành phố Đà Nẵng đã đồng hành tốt cùng người dân vượt qua khó khăn, khiến người dân đồng thuận, chung sức cùng thành phố phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp Đà Nẵng tạo dấu ấn về một thành phố nhân văn, nghĩa tình. 

PV
Đà Nẵng đặt mục tiêu 50% tòa nhà công sở, nhà dân dùng điện mặt trời mái nhà
Đà Nẵng đặt mục tiêu 50% tòa nhà công sở, nhà dân dùng điện mặt trời mái nhà

Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN