Nguyên nhân số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp còn cao là do nhiều nguyên nhân như: Áp lực từ dân di cư tự do sinh sống gần rừng, trong rừng tại các huyện Krông Bông, Cư M’Gar, Buôn Đôn, M’Drắk, Ea Súp… phá rừng để lấy đất ở, đất canh tác, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, săn bắt động vật rừng. Việc xử lý đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp chưa kịp thời, chưa tổ chức cưỡng chế và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Do đó, các đối tượng vi phạm tiếp tục canh tác trên diện tích đất lấn chiếm. Các quyết định buộc khắc phục hậu quả đã được ban hành, song hiện nay đất rừng tiếp tục bị tái lấn chiếm nhưng chưa được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Ngoài ra, năng lực quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; lực lượng quản lý bảo vệ rừng vừa thiếu, vừa yếu dẫn đến tình trạng rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, một số nơi đã dựng lều, lán, trại, canh tác rồi mới được phát hiện, báo cáo nên khó khăn trong việc xử lý.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, trước tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, từ đầu năm 2024, đơn vị đã điều động công chức, người lao động tại các đơn vị ít có nguy cơ (thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Pắc, Krông Ana, Cư Kuin...) và các đội kiểm lâm cơ động tăng cường hỗ trợ các địa bàn có nguy cơ cao như Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk...
Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các huyện Krông Bông, Cư M’Gar, Buôn Đôn, M’Drắk, Ea Kar… Do đó, lực lượng kiểm lâm tỉnh sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý bảo vệ rừng thời gian tới. Trong đó, tập trung phối hợp với chính quyền các địa phương, chủ rừng tăng cường kiểm tra, truy quét các đối tượng vi phạm pháp luật tại các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cường lực lượng bám sát địa bàn, nắm chắc thông tin, kịp thời kiểm tra xử lý các vụ vi phạm, đặc biệt thực hiện tốt quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh như Đắk Nông, Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.
Chi cục chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, không để tình trạng rừng bị phá, khai thác trái pháp luật trong thời gian dài mà không bị phát hiện và không có biện pháp ngăn chặn; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, các Hạt Kiểm lâm chủ động tham mưa cho UBND cấp huyện xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời năm bắt các điểm nóng về vi phạm lâm luật để tổ chức ngăn chặn, xử lý dứt điểm, không để kéo dài…
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tăng cường lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và bảo đảm các điều kiện để lực lượng này hoạt động hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để tuần tra, bảo vệ diện tích rừng, đất rừng hiện có; thường xuyên tuần tra để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp…