Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, rà soát các khu, điểm dân cư ven, hạ nguồn sông, suối, hồ đập thủy lợi; tập trung khắc phục, sửa chữa, cảnh báo an toàn cho người dân đối với các khu vực sạt lở thuộc một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông giao UBND các huyện, thành phố chủ động theo dõi các thông tin cảnh báo thiên tai, sạt lở đất, chủ động khơi thông dòng chảy, lên phương án di dời dân khi có tình huống ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất xảy ra. UBND tỉnh giao UBND huyện Đắk Glong tập trung xử lý tình trạng sạt lở tại tuyến đường từ trung tâm huyện Đắk Glong đi thủy điện Đồng Nai 4 (Quốc lộ 28 cũ); cắm biển, bảng cảnh báo tại các điểm sụt, trượt cắt ngang tuyến đường, đảm bảo an toàn hoạt động lưu thông. UBND huyện Đắk R’lấp theo dõi, kiểm tra tình trạng sạt lở tại đường thuộc thôn 6, xã Nhân Đạo và thôn 4, xã Kiến Thành; đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế qua lại các khu vực này khi mưa lớn, kéo dài.
Liên quan tới tình trạng sạt lở tại tuyến kênh dẫn nước công trình thủy lợi Suối Đá, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Nông giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, có phương án khắc phục, đảm bảo an toàn tuyến kênh này.
Mấy năm nay, tỉnh Đắk Nông xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và tổn hại cơ sở hạ tầng, đường giao thông, công trình thủy lợi… Điển hình như cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã trải qua một đợt ngập lụt “lịch sử” sau 20 năm tái lập tỉnh. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như đường Hồ Chí Minh, Tỉnh lộ 1… bị sạt lở, sụt trượt, gián đoạn việc lưu thông. Nhiều công trình thủy lợi cũng xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt. Hiện ngành chức năng vẫn chưa hoàn thành công tác khắc phục, sửa chữa.