Chương trình này thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội được tỉnh Tuyên Quang thực hiện từ năm 2019. Theo ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có 218 hộ được tiếp cận chương trình vay nhà ở xã hội với tổng dư nợ gần 80,8 tỷ đồng.
Các đối tượng được vay gồm: người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở...
Tháng 3/2021, căn nhà xây 2 tầng khang trang, kiên cố hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sự phấn khởi của cả gia đình anh Nguyễn Thế Vương, tổ dân phố Bắc Trung, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương. Anh Vương chia sẻ, hơn 7 năm, vợ chồng cùng 2 người con sống chung với bố mẹ anh trong căn nhà cũ chật hẹp. Mặc dù cả hai vợ chồng đều là viên chức nhưng đồng lương ít ỏi và nhiều chi phí trong cuộc sống khiến gia đình không có điều kiện xây nhà.
Nhờ chương trình cho vay nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Vương được hỗ trợ vay 300 triệu đồng trong thời hạn 15 năm để xây dựng nhà ở mới. Theo anh Vương, ngôi nhà mới rộng rãi, các con có không gian riêng để học tập và vui chơi, mọi sinh hoạt trong gia đình cũng từ đó thuận lợi hơn. Ổn định về nơi ở, vợ chồng anh Vương cũng yên tâm công tác.
Còn với gia đình anh Mạc Anh Tuấn, dân tộc Tày, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa thì nhờ số vốn 500 triệu đồng từ chương trình cho vay này đã có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang để sinh sống và làm việc, không còn phải sống lo âu, thấp thỏm như trước.
Theo anh Mạc Anh Tuấn, gia đình có 4 khẩu từng sống trong căn nhà cấp 4 khoảng 50 m2 đã xuống cấp. Ngôi nhà mới hoàn thành vào tháng 1/2024 nên gia đình có nhà mới để đón Tết. Nguồn vốn từ chương trình cho gia đình anh vay thời hạn 20 năm. Hiện nay, anh trả lãi Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này phù hợp với điều kiện gia đình và thời gian vay dài đã góp phần giảm áp lực, không quá “nặng gánh” về tài chính.
Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang cho biết, tỉnh đang triển khai 23 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ trên 4.291 tỷ đồng; trong đó, có số dư nợ cao. Đây là một chính sách lớn, mang ý nghĩa nhân văn. Đối tượng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở với mức vay tối đa 500 triệu đồng và ngân hàng cho vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Thời hạn cho vay tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Điểm ưu đãi nổi bật của chương trình là lãi suất thấp, chỉ có 4,8%/năm (0,4%/tháng).
Để triển khai hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản hướng dẫn đến công đoàn sở, ngành và địa phương nhằm giúp cán bộ và người dân kịp thời nắm bắt, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn.
Bên cạnh đó, trên cơ sở danh sách đối tượng đăng ký, các hội, đoàn thể bình xét, chính quyền phê duyệt, cán bộ ngân hàng sẽ thẩm định, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Việc cho vay cũng được thực hiện nghiêm túc trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích, công bằng.
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các sở ngành, đơn vị thực hiện tốt việc thống kê, rà soát, bổ sung đối tượng trong diện thụ hưởng được tiếp cận vốn vay để giải ngân nguồn vốn theo quy định; kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho người dân có nhu cầu vay vốn; tiếp tục tăng trưởng nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người có thu nhập thấp, bảo đảm an sinh xã hội...