Dân vận 'khéo' trên vùng biên ải

Lực lượng bộ đội biên phòng toàn tuyến biên giới Lạng Sơn đã nỗ lực tuyên truyền dân vận cơ sở, phổ biến giáo dục pháp luật và chống xuất, nhập cảnh trái phép, gắn với phòng, chống dịch...

Trên khu vực biên giới của tỉnh Lạng Sơn, những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn bận rộn với nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, lực lượng bộ đội biên phòng toàn tuyến biên giới Lạng Sơn càng vất vả hơn với công tác tuyên truyền dân vận cơ sở, phổ biến giáo dục pháp luật và chống xuất, nhập cảnh trái phép, gắn với phòng, chống dịch ở địa bàn vùng sâu, vùng xa tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 

Chú thích ảnh
Cán bộ Đồn Biên phòng Bình Nghi (Lạng Sơn) phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng biên giới. 

Từ trung tâm đồn Biên phòng Bình Nghi đến xã Tân Minh, huyện Tràng Định, mất hơn 2 giờ đồng hồ di chuyển trên cung đường biên quanh co hiểm trở đặc trưng của miền biên viễn. Những ổ voi ngập trong nước như cạm bẫy sống cùng với hàm ếch trên taluy dương sẵn sàng đổ ụp xuống lòng đường chỉ rộng khoảng 3 m.

Trung tá Trịnh Đức Tùng, Chính trị viên đồn Biên phòng Bình Nghi, tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: Đơn vị phụ trách địa bàn 2 xã Đào Viên và Tân Minh thuộc huyện Tràng Định. Ở những địa phương này, đường giao thông liên thôn bản, liên xã đi lại đa phần rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là người Tày, Nùng, Dao và Sán Chỉ. Tuy nhận thức còn tương đối hạn chế, nhưng người dân rất có ý thức tuân thủ các quy định pháp luật. Chính quyền và người dân nơi đây luôn phối hợp tốt cùng lực lượng biên phòng tham gia các công việc bảo vệ đường biên, cột mốc.

Tân Minh là xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Tràng Định. Toàn xã có hơn 350 hộ với gần 1.400 khẩu, dân cư sống phân tán, nhiều thành phần dân tộc. Đặc biệt, do tập tục săn bắn thú rừng trong nhân dân vẫn còn tồn tại nên có tình trạng tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ như súng hơi, súng tự chế…, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự địa bàn.

Trước thực tế đó, bộ đội đồn Biên phòng Bình Nghi đã phối hợp với chính quyền xã Tân Minh phát động và triển khai sâu rộng, có hiệu quả phong trào “Cán bộ, nhân dân tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội địa bàn; xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện”. Bộ đội đồn Biên phòng Bình Nghi còn lắp đặt các hòm thư góp ý tố giác tội phạm; tăng cường vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ qua các buổi họp dân và tranh thủ tiếng nói của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc. Từ đầu năm 2021 đến nay, người dân đã giao nộp trên 20 khẩu súng tự chế và nòng súng các loại cho lực lượng chức năng.

Chủ tịch UBND xã Tân Minh Đinh Thị Oanh cho biết, nhờ có sự phối hợp của lực lượng biên phòng, đến nay người dân đã thay đổi được tư duy, cách nhìn nhận về vấn đề sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; nhiều hộ tự giác giao nộp vũ khí vật liệu nổ cho đơn vị chức năng mà không phải chờ đến tuyên truyền vận động. Nhờ chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước nên toàn xã chỉ còn 50 hộ nghèo, đã có trên 220 hộ dân đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”.

Chú thích ảnh
Cán bộ Đồn Biên phòng Bình Nghi (Lạng Sơn) ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Tân Minh (huyện Tràng Định). 

Đồn Biên phòng Bình Nghi có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 30 km đường biên giới quốc gia. Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên giới, thời gian qua, đồn Biên phòng Bình Nghi đã tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú, phù hợp với nhận thức của người dân. Đặc biệt trong đó là việc cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với người dân, giúp họ đưa cây, con giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, từ bỏ các tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Trung tá Trịnh Đức Tùng, Chính trị viên đồn Biên phòng Bình Nghi cho hay, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục tới người dân khu vực biên giới được triển khai kịp thời và rộng khắp. Để góp phần đa dạng, nâng chất lượng công tác này, cán bộ, chiến sĩ đã chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức pháp luật trên các ấn phẩm báo chí chính thống. Các chủ trương, chính sách, pháp luật được chuyển tải chủ yếu về vấn đề cư trú, ổn định sản xuất, hôn nhân gia đình, chống đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép, vận chuyển, buôn bán ma túy, pháo nổ…

Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồn Biên phòng Bình Nghi đã dựng 9 chốt trên biên giới để tuần tra, kiểm soát, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép; đồng thời tham mưu cho chính quyền các xã biên giới thành lập và kiện toàn 5 Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng. Cán bộ biên phòng còn đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động hộ dân ký cam kết phòng ngừa dịch bệnh, qua đó đã tuyên truyền trực tiếp cho hơn 300 lượt người dân, phát hàng nghìn tờ rơi và khẩu trang y tế miễn phí tới từng thôn bản. Ngoài thông tin trên loa phát thanh, đơn vị còn tích cực dán tờ rơi tại nơi công cộng, dễ nhìn để người dân nắm và tuân thủ quy định.

Chị Hoàng Thị Thoa, người dân xã Tân Minh chia sẻ: "Là người dân sống ở xã biên giới, được bộ đội biên phòng tuyên truyền về chấp hành pháp luật và phòng, chống dịch bệnh, tôi cũng như bà con trong xã đã có thêm nhiều hiểu biết hơn. Mọi người đều đồng thuận chấp hành, nếu có vấn đề gì liên quan thì lập tức báo cho bộ đội biên phòng để kịp thời xử lý".

Với phương châm: "muốn người dân vùng cao, biên giới thoát nghèo, trước hết phải tập trung nâng cao dân trí, biết phân biệt đúng sai để kẻ xấu không thể lợi dụng", đồn Biên phòng Bình Nghi luôn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xã hội, giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn trên địa bàn, qua đó thực hiện tốt mô hình kết hợp phổ biến giáo dục pháp luật với các chính sách an sinh xã hội. Đơn cử trong đó là các chương trình, phong trào làm đường giao thông nông thôn, “Công trình dân sinh thắm tình đồn xã”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em đến trường”…. Bộ đội biên phòng còn phối hợp với các nhà trường vận động học sinh đến lớp; tham gia xây dựng, sửa chữa các lớp học…

Chính trị viên đồn Biên phòng Bình Nghi nhấn mạnh: “Việc dân vận, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên giới đã giúp bà con nâng cao hiểu biết về pháp luật, góp phần hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, chính công tác tuyên truyền thường xuyên, kịp thời đã giúp người dân hiểu nhiều hơn về chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, từ đó tự giác tham gia cùng lực lượng quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và giữ gìn an toàn xã hội trên địa bàn”.

Bài và ảnh: Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
Phát huy hiệu quả công tác dân vận trong phòng, chống COVID-19
Phát huy hiệu quả công tác dân vận trong phòng, chống COVID-19

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tà Lùng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) phụ trách đoạn đường biên giới dài trên 21 km thuộc địa bàn 4 xã Mỹ Hưng, Đại Sơn, Cách Linh, Bế Văn Đàn và hai thị trấn Tà Lùng và Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN