Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Quang Hưng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị, Sở Kế hoạch - Đầu tư cần rà soát, bổ sung những nỗ lực trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19; đề ra được những giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao để phát triển kinh tế, xã hội trong những tháng cuối năm 2020 nhất là những giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài.
Với tình hình đầu tư công hiện có tiến độ giải ngân quá thấp, tỉnh cần có giải pháp giải ngân, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho đầu tư công. Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát lại các dự án, cân nhắc điều chỉnh vốn theo hướng dự án nào không triển khai được thì cắt giảm và dùng vốn cho các dự án đang triển khai thiếu vốn, dự án mới, trọng điểm; nghiên cứu bố trí vốn để giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng đường dẫn cầu Quang Thanh nối sang Hải Phòng và cầu Dinh nối sang Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, đây là lần thứ 3 điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn. Việc điều chỉnh này căn cứ vào kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016-2020 và kết quả thực hiện vốn hàng năm đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, UBND tỉnh giao chi tiết. Đồng thời, việc điều chỉnh này cũng phù hợp với các nguồn vốn ngân sách địa phương đã giao chi tiết hàng năm trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 so với kế hoạch 5 năm và thực tế tiến độ đầu tư dự án, khả năng giải ngân vốn năm 2020. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cũng nhằm thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy và UBND tỉnh về triển khai đầu tư mới một số dự án năm 2020.
Theo đó, tổng kế hoạch vốn 5 năm 2016-2020 sau khi điều chỉnh, bổ sung là trên 4.648 tỷ đồng, tăng 78 tỷ đồng so với kế hoạch vốn 5 năm đã giao.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đề nghị điều chỉnh giảm 35 tỷ đồng của 16 chương trình, dự án dư vốn; giảm 331 tỷ đồng của chương trình, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán, các dự án không cân đối, bố trí được đủ vốn theo kế hoạch.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung tăng trên 444 tỷ cho 18 chương trình, dự án đã giao nhưng chưa bố trí đủ vốn và khởi công mới; bổ sung 10 tỷ đồng từ vốn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2019 vào kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016-2020, kế hoạch năm 2019 và phân bổ cho 5 dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở kè, bãi sông.
Đối với phương án điều chỉnh, bổ sung và phân bổ kế hoạch vốn thanh toán năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh, bổ sung và tăng vốn kế hoạch là 311 tỷ đồng phục vụ cho một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Đối với điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giảm trên 124 tỷ đồng vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của 6 dự án dư vốn, không có khả năng giải ngân trong năm 2020 để bổ sung tăng vốn thanh toán khối lượng hoàn thành cho 4 dự án.
Để phát triển kinh tế, xã hội trong những tháng cuối năm, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với những ngành ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19. Đồng thời, tỉnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp như chính sách vay vốn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Các địa phương, các cơ quan chức năng chỉ đạo, đôn đốc các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020; tập trung xúc tiến thương mại các nhóm hàng chế biến nông sản thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề, quan tâm phát triển thị trường tiêu thụ trong nước.
Hải Dương cũng sẽ thường xuyên cập nhật thông tin thị trường Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…; nắm sát nhu cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin và dự báo giá cả hàng hóa để giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh nắm bắt nhanh diễn biến thị trường, từ đó điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp. Cùng với đó, tỉnh đôn đốc đẩy nhanh hoàn thành quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá năm 2010) chỉ tăng 2,86%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (8,5% trở lên). Tổng thu ngân sách của Hải Dương đạt trên 7.300 tỷ đồng, bằng 40,7% dự toán và bằng 74% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt trên 6.200 tỷ đồng, bằng 46,1% so với dự toán và bằng 83% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 6/2020, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 225 triệu USD, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm 11,4% so với cùng kỳ trong khi số doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng 21,3%...