Dấu ấn tích cực từ chuyển đổi số tại Ninh Bình - Bài 1: Triển khai trên nhiều lĩnh vực

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm, thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả.

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/4/2021 về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đồng bộ trên toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, công cuộc chuyển đổi số của Ninh Bình đã để lại nhiều dấu ấn tích cực.

Chú thích ảnh
 Cán bộ Điện lực Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình thu thập số liệu tự động trên máy tính từ công tơ điện tử đo xa. 

Bài 1: Triển khai trên nhiều lĩnh vực

Ninh Bình là một trong những địa phương thí điểm về chuyển đổi số trong phạm vi cả nước. Xác định chuyển đổi số sẽ mở ra nhiều cơ hội để tỉnh vươn lên phát triển mạnh mẽ, địa phương đã tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình  này hướng đến bao trùm các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Giải quyết các thủ tục hành chính

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, hướng đến tiến trình chuyển đổi số toàn diện.

Việc tra cứu thông tin, quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm được thực hiện nhanh chóng, chính xác và thuận tiện thông qua hệ thống 18 màn hình cảm ứng. Tại đây, người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, thực hiện và giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính. Trung tâm đang tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết, phối hợp giải quyết 1.339 thủ tục hành chính của 17 sở, ban ngành và 43 thủ tục hành chính của 3 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn (Công an tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Điện lực Ninh Bình). Trong đó, 997 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 4 (đạt 74,45%) và 134 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3 (đạt 10,01%).

Đến nay, 100% quy trình giải quyết thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm (trừ các thủ tục hành chính mang tính đặc thù thuộc lĩnh vực Công an) đã được số hóa, được ký số và luân chuyển giải quyết trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh. 100% hồ sơ tiếp nhận được nhập số hóa, tạo thuận lợi trong thống kê, trích xuất dữ liệu, theo dõi quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả giải quyết. Kết quả 8 tháng của năm 2022, số hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là hơn 66.000 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt trên 60%.

Tỉnh đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp; trong đó, đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Toàn tỉnh đã triển khai và duy trì hoạt động ổn định Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho 18 đơn vị Nhà nước cấp tỉnh; 8 cấp huyện; 143 cấp xã và 3 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn với tổng số 2.091 dịch vụ công, trong đó có 281 dịch vụ mức độ 3 (đạt 13,4%) và 1.250 dịch vụ mức độ 4 (đạt 59,8%).

Đặc biệt, Ninh Bình là một trong ba địa phương kết nối sớm nhất Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để khai thác, xác thực thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính vào tháng 5/2022. Hiện toàn tỉnh đã có 799 dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã được tích hợp và cung cấp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tổng số hồ sơ đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 304.844 hồ sơ, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công của tỉnh là 293.517 hồ sơ, tăng 112% so với cùng kỳ năm 2021; hồ sơ trực tuyến là 181.732 hồ sơ, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình cho biết, Sở đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Sở phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp tục tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

Chú thích ảnh
Ngành thuế Ninh Bình đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng chính quyền số

Sau 2 năm triển khai thí điểm "Xây dựng xã thông minh" do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, đến nay, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô (một trong 12 xã điểm của cả nước thực hiện chuyển đổi số) đã hoàn thành thí điểm chuyển đổi số cấp xã. Đây được xem là điểm sáng về chuyển đổi số cơ sở trong cả nước.

Từ năm 2020 đến nay, xã Yên Hòa đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các đơn vị cung cấp các dịch vụ công nghệ số tập trung triển khai thí điểm các nội dung về chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn. Sau 2 năm triển khai, xã đã đạt được những kết quả quan trọng tạo sự thay đổi rõ nét về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chính quyền xã đã xử lý văn bản điện tử, chữ ký số và đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử; giúp cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, việc triển khai “Xây dựng xã thông minh” trên địa bàn dựa trên ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Địa phương luôn xác định mỗi cá nhân là nhân tố quan trọng trong quá trình triển khai chuyển đổi số; từ đó tuyên truyền sâu, rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ lợi ích của hoạt động này giúp quá trình triển khai thực hiện được thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân.

Được tỉnh chọn là đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm mô hình "Chính quyền số cấp huyện" từ giữa năm 2021, đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, thành phố Tam Điệp đã thực hiện được 6/14 mục tiêu trong mô hình. Thành phố đã tích cực đẩy mạnh việc phát triển các ứng dụng dịch vụ số trên nhiều lĩnh vực quản lý nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức như: lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tư pháp - hộ tịch, căn cước công dân, bảo trợ xã hội… UBND thành phố và UBND các phường, xã đã triển khai và sử dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp. Từ tháng 1/2022, Trung tâm Một cửa liên thông thành phố và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các phường, xã đã sử dụng hóa đơn điện tử thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Thành phố đang đẩy mạnh thực hiện 8/14 mục tiêu còn lại, phấn đấu năm 2023 hoàn thành các tiêu chí mô hình đề ra như: 100% văn bản (trừ văn bản mật) được trao đổi trên môi trường điện tử và ký số; 100% dịch vụ công được đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 80% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố... Những kết quả bước đầu là tiền đề quan trọng để thành phố nỗ lực tiếp tục hoàn thành mô hình đạt mục tiêu đến năm 2023 trở thành chính quyền số thông minh, hiện đại.

Từ nay đến cuối năm, để xây dựng chính quyền số góp phần đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Ninh Bình đề nghị, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, đồng thời tạo lập, phát triển dữ liệu; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, chuẩn hóa quy trình, dữ liệu về thủ tục hành chính, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực và tăng cường ký số, gửi, nhận hồ sơ văn bản điện tử, đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…

Bài 2: “Đột phá” mạnh mẽ

Bài và ảnh: Thùy Dung (TTXVN)
Dấu ấn tích cực từ chuyển đổi số tại Ninh Bình - Bài 2: 'Đột phá' mạnh mẽ
Dấu ấn tích cực từ chuyển đổi số tại Ninh Bình - Bài 2: 'Đột phá' mạnh mẽ

Tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về kết quả thực hiện các chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, ngành, địa phương năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN