Những ngày cận kề Tết Kỷ Tỵ 2025, nắng Xuân như bừng sáng, sưởi ấm những cánh rừng già của xã Khai Trung, huyện Lục Yên (Yên Bái). Cùng với đó là không khí rộn ràng của bà con nơi đây, chuẩn bị cho một cái Tết ấm no, khi đời sống đã ngày càng khởi sắc.
Có được bức tranh nông thôn tươi đẹp này, sự đóng góp của những cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là không nhỏ; khi đã kịp thời mang nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Đảng, của Chính phủ đển "soi rọi" cho đồng bào, giúp đồng bào phát triển kinh tế, đầu tư thâm canh, tăng năng suất các loại cây trồng, con vật nuôi, tạo nguồn thu, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Việc người Dao, người Mông…. chỉ biết nhờ vào rừng già, sống bằng cách săn bắt, hái lượm, sản xuất độc canh cây lúa nương, đã là dĩ vãng. Cảnh thiếu thốn, phải ăn củ sắn, hạt ngô thay cơm, quanh năm tha phương làm thuê, làm mướn... cũng không còn.
Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có của ăn của để, xây được nhà mới kiên cố, khang trang, mua sắm các loại vật tư, phân bón máy cày đất, bơm nước phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp.
Cuộc sống người dân ở thôn Giáp Cang, xã Khai Trung nhờ thế ngày thêm no đủ, tươi vui. Như gia đình ông Hoàng Văn Nghị, trước đây cuộc sống khó khăn, thiếu thốn bộn bề. Thế rồi, được sự động viên của chính quyền, hội nông dân địa phương, cùng sự hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH huyện Lục Yên, ông đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi, đầu tư mua 5 con bò để chăn nuôi. Gia đình còn kết hợp nuôi gà, vịt đẻ trứng, đào ao thả cá, tăng thêm thu nhập. Đến Tết này, gia đình ông đã cuộc sống đủ đầy, thu nhập gần 200 triệu đồng.
Còn gia đình bà Vi Thị Thúy, ở thôn Tầm Vông, xã Yên Thắng, 5 năm trước, đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Lục Yên để nuôi bò sinh sản, trồng keo, cấy lúa nước. Hiện tại, gia đình bà có đàn bò 12 con, rừng cây công nghiệp 2,5ha. “Nhờ đồng vốn chính sách mà tôi mở rộng được quy mô trại chăn nuôi và phát triển trồng trọt, có việc làm và thu nhập ổn định, năm 2022, gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo”, bà Thúy chia sẻ.
Gia đình ông Hoàng Văn Nguyên, ở xã Động Quan, cũng được NHCSXH cho vay bổ sung 100 triệu đồng thuộc chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, để khôi phục sản xuất, trồng mới toàn bộ diện tích cây keo, cây quế bị đổ, gẫy do hoàn lưu cơn bão số 3 hồi tháng 9/2024. Xuân mới về, rừng cây của gia đình ông Nguyên cũng xanh tốt lại, hứa hẹn cuộc sống ổn định, tươi sáng thêm.
Giám đốc NHCSXH huyện Lục Yên, ông Dương Quốc Tuấn, cho biết: Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của lãnh đạo địa phương, cùng sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội trong quá trình thực hiện các chính sách, nghị định của Nhà nước về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm triển khai mạnh mẽ sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đã đem đến nguồn lực tăng trưởng nhanh cho NHCSXH và cuộc sống no đủ cho người dân.
Tính đến thời điểm này, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH huyện Lục Yên đạt 844.511 triệu đồng, tăng 92.413 triệu đồng so với đầu năm 2024, trong đó, vốn từ ngân sách chuyển sang là 5.165 triệu đồng, hoàn thành 103%. Cùng với đó, doanh số cho vay năm 2024 cũng đã đạt 246.053 triệu đồng, với 4.400 khách hàng được vay vốn.
Song song với việc tăng nguồn lực, mở rộng tín dụng, việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được NHCSXH huyện và các tổ chức hội, đoàn thể đặc biệt chú trọng quan tâm thực hiện quyết liệt trong năm 2024. Nhờ đó, chất lượng tín dụng đã được duy trì ổn định và ngày càng nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,07%. Chất lượng tín dụng 12 tháng năm 204, toàn huyện Lục Yên đạt 98,92 điểm, xếp loai tốt, 24/24 đơn vị cấp xã, thị trấn cũng đều đạt loại tốt.
Những nỗ lực của NHCSXH huyện Lục Yên đã góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững, trong bối cảnh năm 2024 tình hình kinh tế xã hội còn gặp khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và đợt mưa to, lũ lớn từ ngày 5-11/9/2024 đã gây tổn thất nặng nề về người và của cho nhân dân.
Vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Lục Yên thực hiện chủ yếu đã tập trung ở các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, sản xuất kinh doanh, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm…Với hiệu quả đầu tư trồng mới và cải tạo 3.845 ha rừng các loại; chăn nuôi 694 con trâu, bò; 2.216 con lợn; 2.284 con gà; 486 mô hình vay vốn các dự án cơ sở sản xuất, dịch vụ ăn uống, buôn bán các mặt hàng thế mạnh của huyện như đá phong thủy, làm tranh đá quý, các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động; sửa chữa và xây mới 1.2 công trình nước sạch, 1.2 công trình vệ sinh; 34 học sinh sinh viên được vay vốn chi phí học tập; 295 lao động mới được vay vốn giải quyết việc làm tạo việc làm có thu nhập ổn định.
Nguồn vốn chính sách góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,06% cuối năm 2023 xuống 2,77% vào cuối năm 2024, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 6,74% cuối năm 2023 xuống 5,27% vào cuối năm 2024.