Sạt lở xảy ra ở hầu khắp các địa bàn vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh mà nặng nhất là tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành…; trên các tuyến sông Cái Bè qua xã Đông Hòa Hiệp và xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè), tuyến sông Ba Rày chảy qua địa phận các xã Hội Xuân, Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) và xã Thanh Hòa, Phường 2 (thị xã Cai Lậy)…
Chỉ riêng tại huyện Cai Lậy, theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương, toàn huyện hiện có 32 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 900m, ước tính kinh phí xử lý hơn 28,5 tỷ đồng. Nhiều tuyến đê bao liên tục phát sinh các điểm sạt lở mới như tuyến đường Đông và Tây sông Ba Rài (liên xã Cẩm Sơn - Hội Xuân), Tây sông Phú An (xã Phú An), Đông sông Trà Tân (xã Long Trung)…
Trên tuyến sông Phú An, đoạn thuộc ấp 3, xã Phú An (huyện Cai Lậy) vừa qua, đã xảy ra 1 điểm sạt lở nghiêm trọng, có chiều dài gần 50m, rộng 5m, chia cắt hoàn toàn tuyến đường giao thông nông thôn tại đây, đe dọa đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái của người dân. Để đảm bảo an toàn giao thông, chính quyền xã Phú An phải đặt biển báo cấm phương tiện 3 - 4 bánh lưu thông qua khu vực này, làm rào chắn cảnh báo sạt lở đồng thời mở đường tạm cho bà con đi lại trong thời gian chờ khắc phục.
Còn trên địa bàn xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, dọc tuyến đê bao sông Ba Rài sau nhiều trận mưa lớn đã xảy ra nhiều điểm sạt lở cả hai bên bờ Đông và Tây. Trong đó, có 2 điểm sạt lở lớn gồm điểm sạt lở bờ Tây thuộc địa bàn ấp I và điểm sạt lở bờ Đông thuộc địa bàn ấp 4. Điểm sạt lở bờ Tây sông Ba Rày dài hàng trăm mét, rộng 5m, cắt đứt hoàn toàn Huyện lộ 54C. Điểm sạt lở bờ Đông sông Ba Rày dài gần 50m, ăn sâu vào đất liền khoảng 4m, tạm thời cắt đứt giao thông Huyện lộ 54B, đoạn qua xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân địa phương.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân sạt lở do nền đất yếu, ảnh hưởng của sự thay đổi dòng chảy bởi thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt mang lại nhiều hệ lụy. Ngoài ra, còn bởi yếu tố do con người gây nên như: mật độ thuyền bè qua lại quá đông tạo sóng gió lớn tác động gây sạt lở bờ sông, kênh rạch; hệ lụy của việc gia tải quá mức lên bờ kênh rạch từ việc xây nhà cửa lấn sông, neo đậu tàu thuyền, các cơ sở hạ tầng khác,…
Trước tình hình trên, để khắc phục sạt lở một cách căn cơ, thời gian qua ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm giải pháp phi công trình và công trình. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về trách nhiệm phòng ngừa sạt lở, gây nuôi lục bình (bèo Nhật Bản) ven sông để gây bồi, tạo bãi phòng, chống sạt lở kết hợp trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió đồng thời với xử lý triệt để các trường hợp xây cất lấn chiếm sông rạch, những hành vi xâm hại hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi.
Ngành cũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh kiểm tra, rà soát, phân loại mức độ sạt lở trên cơ sở đó có kế hoạch huy động các nguồn lưc nhằm đầu tư xử lý, khắc phục theo hướng những điểm sạt lở nhỏ huy động nhân lực tại chỗ hoặc ngân sách cấp xã, cấp huyện khẩn trương xử lý ngay. Những điểm sạt lở phức tạp cần tổng mức đầu tư lớn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh xem xét và hỗ trợ kinh phí khắc phục. Giai đoạn 2016 - 2020, Tiền Giang đã đầu tư trên 315,2 tỷ đồng xử lý, khắc phục 415 điểm sạt lở lớn, phức tạp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng Sở Tài chính và các địa phương tiến hành khảo sát, xây dựng phương án và đề xuất UBND tỉnh sớm đầu tư kinh phí khắc phục những điểm sạt lở phức tạp. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trong năm 2021, Tiền Giang đang triển khai đầu tư gần 103 tỷ đồng, thi công 3 công trình khắc phục sạt lở trên địa bàn là: Xử lý xói lở bờ biển Gò Công Đông đoạn từ xã Tân Thành đến Khu Du lịch Tân Thành (huyện Gò Công Đông), xử lý sạt lở bờ kênh 28 (huyện Cái Bè) với chiều dài 950m và xử lý đoạn sạt lở khu vực Trạm kiểm soát Biên phòng Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) dài khoảng 300m.