Chương trình nhằm tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận hệ thống tri thức mở, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người dân về vị trí, vai trò của việc học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động, thu hút người dân hình thành thói quen học tập suốt đời trong các thiết chế văn hóa thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.
Để Chương trình đạt hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố quán triệt sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương xây dựng việc tổ chức các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc triển khai thực hiện các hoạt động học tập suốt đời phải được tiến hành đồng bộ, thiết thực, hiệu quả đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ nội dung kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa theo quy định.
Tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030, có 100% thư viện cấp tỉnh, 90% thư viện cấp huyện, 60% thư viện cấp xã, 100% thư viện trường đại học và thư viện lực lượng vũ trang 90% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện.
Số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 5% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 12% mỗi năm. Phấn đấu số lượt khách tham quan chọn bảo tàng để nghiên cứu, học tập tăng bình quân 5% mỗi năm.
Đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% bảo tàng xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa cho người dân các thiết chế trong bảo tàng, trong đó chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên và ứng dụng giới thiệu trưng bày các chuyên đề trên không gian số; 100% trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.